Phóng viên: Gần đây trên địa bàn tỉnh ta đã có mưa, xin đồng chí cho biết lượng nước tích được ở các hồ thủy lợi có được cải thiện?
|
Ông Phạm Văn Hường Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh |
- Ông Phạm Văn Hường: Từ cuối tháng 5 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã bắt đầu có mưa trên diện rộng. Đặc biệt, những cơn mưa trong những tháng gần đây đã bổ sung nguồn nước đáng kể cho các hồ chứa. Tính đến ngày 21-10, tổng lượng nước tích được của 20 hồ chứa 107,27/192,42 triệu m3 nước, đạt 55,8% so với thiết kế. Trong đó, 11 hồ có dung tích đạt và gần đạt đến mực nước dâng, như: Hồ Tân Giang đạt 12,54/13,39 triệu m3, hồ Trà Co 8,87/10,10 triệu m3, hồ Cho Mo 6,96/8,79 triệu m3, hồ Bà Râu 4,35/4,67 triệu m3, hồ Thành Sơn 2,05/3,05 triệu m3, hồ Phước Trung 2,35/2,35 triệu m3, hồ Nước Ngọt 1,76/1,81 triệu m3, hồ CK7 1,27/1,43 triệu m3, hồ Suối Lớn 1,10/1,10 triệu m3, hồ Phước Nhơn 0,78/0,78 triệu m3 và hồ Ma Trai 0,48/0,48 triệu m3. Riêng hồ Ông Kinh hiện chưa có nước.
Phóng viên: Như vậy, để đảm bảo an toàn cho các hồ, đập trong mùa mưa, công ty có phương án và kế hoạch chuẩn bị như thế nào?
- Ông Phạm Văn Hường: Đơn vị hiện đang quản lý, khai thác và vận hành 20 hồ chứa nước và 3 hệ thống đập dâng. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, đến nay, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ huy và lập phương án vận hành, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cụ thể cho từng công trình hồ chứa. Bên cạnh đó, đơn vị còn chuẩn bị dự phòng nhân lực, vật tư, máy móc, như: xe tải, máy xúc, máy đào, máy ủi...; đồng thời, thực hiện tốt việc bảo trì, tra dầu mỡ các thiết bị cơ khí định kỳ hàng tháng. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho các hồ, đập, tháng 7-2016, công ty đã phối hợp với Chi cục Thủy lợi và các địa phương có hồ chứa nước tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình đầu mối. Qua kiểm tra, các hồ chứa đều hoạt động bình thường; trong đó, có 5 hồ là Tân Giang, Trà Co, Phước Trung, Bà Râu và Cho Mo đơn vị đang thực hiện vận hành cửa tràn để xả lũ theo quy trình điều tiết nước được phê duyệt. Đối với các hồ chứa thuộc danh mục tiểu dự án 1 (WB8) như: Hồ Sông Sắt, Sông Biêu, CK7, Tà Ranh, Ông Kinh, hiện tỉnh đang triển khai lập dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập, nhằm đảm bảo cho công tác quản lý, khai thác và vận hành các hồ chứa được an toàn.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết thêm, trong tình huống mưa lớn kéo dài, nước đổ về các hồ vượt ngưỡng thiết kế, thì quy trình điều tiết xả lũ được triển khai như thế nào?
- Ông Phạm Văn Hường: Xác định việc đảm bảo an toàn các hồ, đập và phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ lưu là vấn đề hết sức cần thiết. Do vậy, khi có mưa lớn và lụt, bão xảy ra, công ty sẽ thực hiện nghiêm quy trình vận hành đã được duyệt. Trước hết phải kịp thời thông báo cho chính quyền các địa phương có hồ chứa, để phổ biến đến nhân dân vùng hạ lưu và các cơ quan liên quan ít nhất 6 giờ trước khi xả lũ, để người dân chủ động phòng tránh và tổ chức di dời đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, đơn vị tiến hành cắm biển thông báo tại các khu vực nằm trong phạm vi ngập lụt, lũ quét; phối hợp các địa phương, đơn vị thực hiện phương án báo động bằng còi, kẻng… cho các xã có khả năng lũ lụt chia cắt, để kịp thời sơ tán dân tại các khu vực thường xuyên bị ngập úng, sạt lở, lũ quét đến các vùng cao, nhà cao tầng, trường học. Phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh và các cơ quan truyền thông để nắm bắt và thông báo kịp thời mọi diễn biến của thời tiết cho người dân biết để cảnh giác, chủ động ứng phó với lụt, bão. Cử cán bộ trực 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước về các hồ, để có phương án linh hoạt, hợp lý trong quá trình tích nước, xả lũ và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra, nhằm bảo vệ công trình đầu mối, cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của nhân dân và các công trình dân sinh ở vùng hạ lưu.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Văn Thanh (thực hiện)