Nghệ nhân ưu tú Phú Bình Đồn

(NTO) Chúng tôi về thôn Tân Bổn (xã Phước Ninh, Thuận Nam) tìm thăm nghệ nhân Phú Bình Đồn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân ưu tú do đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là phần thưởng cao quý được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh công lao của ông đối với hoạt động chế tác, truyền dạy, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh. Với vai trò người có uy tín của làng Tân Bổn, ông đã tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn khu dân cư và tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Nghệ nhân ưu tú Phú Bình Đồn được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 
Nghệ nhân ưu tú Phú Bình Đồn biểu diễn nhạc cụ dân gian Chăm.

Trò chuyện với Nghệ nhân ưu tú Phú Bình Đồn, chúng tôi được biết ông có trên 50 năm gắn bó máu thịt với “lời ăn tiếng nói” các loại nhạc cụ Chăm. Từ năm 16 tuổi, ông phụ giúp cha ruột là nghệ nhân Phú Lộc chế tác, biểu diễn trống Ghi-năng, Baranưng, kèn Saranai. Ngoài các bài bản do người cha ruột truyền dạy, ông còn học các ngón diễn kèn Saranai đặc sắc của nghệ nhân Trượng Tốn ở làng Hữu Đức, nghệ nhân Từ Văn Thành ở Phước Đồng. Âm nhạc dân gian Chăm chưa có sách vở ghi lại bài bản nên ông truyền dạy cho học trò thực hành theo 72 nhịp trống lưu truyền trong đời sống nhạc lễ địa phương. Yêu mến tay nghề của nghệ nhân Phú Bình Đồn, nhiều thanh niên các địa phương theo ông học biểu diễn nhạc cụ. Ông đã truyền dạy cho gần 30 thanh niên biểu diễn thành thục các nhạc cụ dân gian Chăm. Ông không thu học phí, mà còn cho cơm ăn đối với những người ở xa đến nhà thầy trọ học. Trong đó, có người trở thành nhạc công của Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm như Thiên Ngọc Hoàng, Thiên Sanh Vũ; có người trở thành thầy vỗ như Kiều Thanh Nhẫn ở Phước Nam. Riêng các con của ông đảm nhận hầu hết các bộ nhạc cụ của dàn nhạc lễ dân tộc: Phú Quang Chiến, Phú Quang Dũng đánh trống Ghi-năng; Phú Quang Ngân thổi kèn Saranai; Phú Quang Thẩm kéo đàn ca nhi và đánh trống Baranưng; Phú Quang Tài đánh chiêng. Dưới sự điều hành của “nhạc trưởng” Phú Bình Đồn, dàn nhạc truyền thống của gia đình ông phục vụ hoạt động văn nghệ, lễ hội địa phương và thực hành nhạc lễ các đám cúng Chà-và theo tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm.

“Bản thân tôi và gia đình rất tự hào khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là phần thưởng cao quý động viên tôi tiếp tục giữ gìn nhạc cụ truyền thống của ông bà xưa, truyền dạy cho các thế hệ con cháu. Còn sức khỏe là tôi còn chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc Chăm góp phần phục vụ đời sống tinh thần cho đồng bào trong tỉnh”-Nghệ nhân ưu tú Phú Bình Đồn cười hồn hậu, chia sẻ.