Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình,
tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật về hội Ảnh: Đình Nam
Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật về hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận dự án Luật về hội (dự thảo Luật). Ngay sau kỳ họp, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, cho ý kiến và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
Thảo luận ở hội trường về đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 trong dự thảo Luật, đa số các đại biểu nhất trí cao việc không áp dụng Luật này đối với 6 tổ chức chính trị - xã hội. Các đại biểu cho rằng, việc quy định như vậy sẽ phù hợp với lịch sử phát triển và vai trò đặc biệt quan trọng của các tổ chức đó, phù hợp với thể chế chính trị của nước ta.
Đồng thời, theo đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo- tỉnh Nam Định, Luật Công đoàn Việt Nam được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII ngày 20/06/2012; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9; Pháp lệnh Hội Cựu chiến binh Việt Nam được Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua tại Kỳ họp ngày 07/10/2005. Trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng đã được nêu trong Luật bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua. Còn các tổ chức là Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đều đã có điều lệ để hoạt động. Như vậy, việc không đưa các tổ chức này vào đối tượng điều chỉnh là hợp lý bởi một số tổ chức này đã có văn bản pháp luật điều chỉnh riêng.
Đảm bảo quyền lập hội đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám- tỉnh Kon Tum cho rằng, đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì việc thực hiện quyền được lập hội như thế nào thì chưa được quy định trong luật. Đại biểu cho rằng, mặc dù họ làm ăn, công tác định cư ở nước ngoài nhưng vẫn mang quốc tịch Việt Nam, vẫn là công dân Việt Nam, đó vẫn là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam như quan điểm của Đảng ta. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm những quy định về thực hiện quyền lập hội của công dân Việt Nam ở nước ngoài khi tham gia vào quyền lập hội ở Việt Nam.
ĐBQH Tô Văn Tám: Đề nghị bổ sung quy định về thực hiện quyền lập hội của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương- tỉnh Ninh Thuận cho rằng, so sánh giữa Khoản 1 Điều 2 việc “Luật này áp dụng đối với hội, công dân Việt Nam” với Khoản 2 Điều 6 quy định trụ sở của Hội đặt tại Việt Nam là chưa phù hợp. Đại biểu cho rằng, trên thực tế nhiều hội của cộng đồng người Việt Nam được phép hoạt động ở nước ngoài hiện vẫn đang hoạt động và vẫn có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Chính sách của Đảng và Nhà nước đang coi cộng đồng người Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời, là máu thịt của dân tộc. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét lại quy định này cho phù hợp.
Đại biểu Quốc hội Trần Dương Tuấn- tỉnh Bến Tre, đại biểu Quốc hội Đinh Đăng Luận- tỉnh Yên Bái cho rằng cần xem xét lại Khoản 3 Điều 2 về “Trường hợp luật khác có quy định về tổ chức, hoạt động của hội trước ngày Luật này có hiệu lực mà khác với Luật này thì thực hiện theo quy định của Luật đó” bởi sẽ không phù hợp về nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Khoản 3, Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Mặc khác, thực tế hiện nay đang có một số luật có đề cập đến hội thuộc lĩnh vực luật điều chỉnh nhưng do việc quy định không thống nhất nên rất khó khăn, vướng mắc trong tổ chức hoạt động và quản lý nhà nước về hội. Các đại biểu đề nghị xem xét lại quy định như Khoản 3 Điều 2 của dự thảo Luật.
Đại biểu Quốc hội Tống Thanh Bình- tỉnh Lai Châu cho rằng, đã không phải là đối tượng áp dụng thuộc đối tượng áp dụng thì đương nhiên không đưa vào và thể hiện trong luật, do đó đề nghị để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ, không gây phức tạp thêm trong quá trình triển khai, thực hiện luật, cần xem xét bỏ Khoản 2 Điều 2.
Xem xét, bổ sung thêm một số hội đặc thù
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan- TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khi so sánh tiêu chí, những hội đặc thù của nước ta thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng chỉ đạo về nhân sự, lãnh đạo và được nhà nước bảo đảm cơ sở vật chất ngân sách hoạt động thì Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội sinh viên cũng thuộc phạm vi này. Do đó, đề nghị xem xét việc đưa thêm hai hội này vào Luật; làm rõ việc các Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị mà có hội viên là tổ chức để có sự nhất quán trong chính sách và việc áp dụng luật được thỏa đáng.
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu: Đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
được áp dụng luật tương tự như 6 tổ chức chính trị- xã hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân Thu- tỉnh Khánh Hoà cho rằng, đối với các hội đặc thù và các hội công lập khác như Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Hội liên hiệp khoa học, kỹ thuật công nghệ Việt Nam, một số hội có Đảng đoàn khác thì nếu không nằm trong đối tượng này sẽ bị tác động khá lớn, do đó đề nghị Quốc hội cân nhắc vấn đề này.
Riêng đối với Hội chữ thập đỏ Việt Nam, đại biểu nêu rõ, nếu Luật về hội được áp dụng, ban hành sẽ gây khó khăn rất lớn cho hoạt động của Hội Chữ thập đỏ và hạn chế việc tiếp nhận các nguồn viện trợ, cứu trợ của các tổ chức quốc tế, phục vụ cho mục đích nhân đạo tại Việt Nam cũng như việc thực hiện nghĩa vụ nhân đạo của Việt Nam đối với các nước. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước thành lập để thực hiện nhiệm vụ nòng cốt về nhân đạo quốc gia và thực hiện nghĩa vụ nhân đạo quốc tế.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng là thành viên của phong trào Chữ thập đỏ quốc tế, hội có 4 cấp và tổ chức hoạt động như các hội chính trị- xã hội, có Đảng đoàn và Chỉ thị 43 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Chữ thập đỏ Việt Nam, trong đó xác định công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy đảng, các cán bộ và đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị; là kênh vận động nguồn lực quốc tế quan trọng cho hoạt động nhân đạo và an sinh xã hội trong nước, thực hiện tốt nhiệm vụ ngoại giao nhân dân và nghĩa vụ nhân đạo quốc tế. Nếu áp dụng Luật về hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hội. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu đề nghị Quốc hội cho phép Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được áp dụng luật này tương tự như 6 tổ chức chính trị- xã hội đã nêu.
ĐBQH Bùi Quốc Phong: đề nghị quy định cụ thể chính sách của các tổ chức hội đặc thù với các tổ chức hội khác.
Đại biểu Quốc hội Bùi Quốc Phòng- tỉnh Thái Bình cho rằng, dự thảo Luật cần quy định cụ thể chính sách cho phù hợp với 28 tổ chức hội đặc thù trong đó có 10 tổ chức hội có Đảng đoàn và các tổ chức hội khác, cần rà soát các tổ chức hội một cách cụ thể để tránh tình trạng hoạt động hình thức và chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tăng biên chế, tăng kinh phí hỗ trợ của nhà nước và cần quy định rõ trong dự thảo luật về vai trò quản lý của nhà nước các cấp đối với tổ chức hội.
Nguồn: quochoi.vn