So với việc bồi dưỡng học sinh giỏi, công tác phụ đạo cho các đối tượng học sinh học lực yếu có nhiều nét đặc thù, cần sự kiên trì, tâm huyết của giáo viên và phương pháp phụ đạo khoa học, hiệu quả. Để việc phụ đạo, nâng cao chất lượng học tập cho học sinh yếu kém phát huy hiệu quả, tôi xin đề xuất một số giải pháp.
Trước hết, cần xác định, muốn học sinh đạt kết quả tốt trong học tập thì điều đầu tiên cần phải làm là xây dựng được nền nếp học tập cho học sinh. Mỗi học sinh phải chấp hành tốt các quy định do nhà trường đề ra, từ nền nếp học tập trên lớp cũng việc như tự học ở nhà. Nhà trường cần tạo ra các hoạt động tập thể theo hướng “học mà chơi, chơi mà học” nhằm tạo ra sân chơi bổ ích, một mặt giúp các em tự tin hơn, mặt khác, tạo ra sự hứng thú trong học tập.
Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường cần chỉ đạo đội ngũ giáo viên xây dựng phân phối chương trình và soạn giáo án phù hợp với trình độ học sinh; giảng dạy phù hợp với trình độ học sinh, có khi bổ túc lại kiến thức ở các lớp dưới nếu thấy cần thiết. Đội ngũ giáo viên dạy giỏi, cốt cán, có nghiệp vụ sư phạm tốt của trường không chỉ chuyên tâm bồi dưỡng học sinh giỏi mà còn tích cực trực tiếp tham gia phụ đạo học sinh yếu. Mỗi giáo viên luôn quan niệm, học sinh giống như con, như em của mình, thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng, chỉ dạy cho các em từ những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt và học tập, luôn động viên, khích lệ tinh thần để các em tiến bộ.
Cuối cùng, mỗi đơn vị trường học cần coi trọng việc kiểm tra, đánh giá đúng năng lực học tập thực tế của học sinh. Cùng với việc kiểm tra thường xuyên trên lớp khách quan, đúng quy chế, nhà trường tiến hành tổ chức thi học kỳ nghiêm túc, cho học sinh các khối ngồi xen kẽ nhằm hạn chế tối đa hiện tượng quay cóp.
Từ kết quả học tập của học sinh, các giáo viên bộ môn sàng lọc ra những học sinh có học lực yếu, tập hợp danh sách báo lại cho Ban chuyên môn nhà trường. Sau khi đã nắm được chính xác số lượng học sinh có học lực yếu, Ban chuyên môn nhà trường tiếp tục tổ chức thi để phân loại các học sinh yếu này, sau đó giao cho nhóm trưởng chuyên môn kết hợp với giáo viên trực tiếp giảng dạy và giáo viên chủ nhiệm lên kế hoạch phụ đạo riêng cho các em cũng như có kế hoạch theo dõi, bám sát từng em trong quá trình giảng dạy hàng ngày trên lớp.
Sau một thời gian kiên trì tổ chức phụ đạo, kèm cặp, Ban chuyên môn lại tiếp tục thực hiện quá trình rà soát, đánh giá cho đến khi các em thực sự có những chuyển biến tích cực về kết quả học tập. Quá trình tiến hành kiên trì phụ đạo theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” cần sự nỗ lực, tâm huyết của các giáo viên trực tiếp tham gia mới có thể mang lại kết quả mong muốn.
Nguồn: Giaoducthoidai.vn