Đảm bảo việc trả nợ nguồn vốn ODA một cách bền vững

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 2, chiều 22-10, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở Tổ về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 – 2020.

 

Các ĐBQH thảo luận ở Tổ về mục tiêu, định hướng huy động,
sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 – 2020.

Đánh giá chung về tình hình huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011- 2015, các đại biểu cho rằng, trong giai đoạn này, Chính phủ đã huy động được khối lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước, chất lượng công tác quản lý nợ từng bước được nâng lên, tiệm cận dần với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, tình hình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay còn nổi lên nhiều hạn chế, trong trung và dài hạn có khả năng sẽ ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia. Báo cáo của Chính phủ mới chỉ nêu khái quát một số hạn chế, chưa cung cấp đủ số liệu, chưa phân tích nguyên nhân, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, các chỉ số, nguy cơ tiềm ẩn có thể làm gia tăng nợ công; chưa đánh giá, so sánh với các mục tiêu đề ra trong Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020; chưa nêu được những yếu kém trong quản lý, điều hành; chưa nêu rõ tình trạng tham nhũng, lãng phí trong sử dụng nguồn vốn đầu tư; các giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý nợ công chưa cụ thể, tính khả thi chưa cao, dẫn đến chưa cung cấp đủ thông tin phục vụ quá trình xem xét, đánh giá.

Về dự kiến kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2016- 2020, các đại biểu thống nhất cho rằng, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, an ninh tài chính quốc gia chưa thực sự vững chắc thì về cơ bản, cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như giai đoạn 2011-2015 và thắt chặt việc quản lý, sử dụng vốn vay. Đồng thời, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành khi để tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP giai đoạn 2011-2015 vượt mức trần đã được Quốc hội quyết định, kịp thời áp dụng các giải pháp để bảo đảm các chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn cho phép, đưa tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của Chính phủ, bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại trên tổng thu ngân sách nhà nước xuống dưới mức 25% và bảo đảm trong giai đoạn tới, số vay đảo nợ năm sau phải thấp hơn năm trước. Bổ sung chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu theo đúng quy định của Luật quản lý nợ công.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết- tỉnh An Giang, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, do đó, nợ công hiện đang ở mức 62,2% là cao. Nếu không tiếp tục kéo nợ công xuống ở mức an toàn hơn mà nâng lên 65% GDP là không hợp lý, nền kinh tế sẽ không bền vững. Đại biểu cho rằng, căn cứ vào tình hình thực tế ở nước ta, nợ công trên GDP tốt nhất ở mức 60%. Nợ Chính phủ hiện ở mức 50,3% GDP đã là báo động đỏ, tiếp tục đưa lên 55% là không phù hợp, không có sự lành mạnh về điều hành tài chính trong 5 năm tới.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang- tỉnh Đắk Nông đề nghị đối với chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP, có thể cân nhắc quy định ngưỡng tối đa là 53%, việc Chính phủ đề xuất nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ/GDP từ mức 50% hiện nay lên mức trần 55% là không hợp lý.

Về huy động, quản lý, sử dụng vốn vay ODA, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Sơn- tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc giải ngân nguồn vốn còn chậm, năm 2016 mới đạt được 50% cam kết với các nhà tài trợ, trong đó có nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng, quy trình khi phân bổ, quản lý nguồn vốn của các bộ, ngành...Do đó, đại biểu đề nghị các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ, nhất là trong việc phê duyệt, phân bổ nguồn vốn. Ngoài ra, sắp tới cần tập trung nguồn vốn ODA vào việc phát triển lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, kết nối các vùng kinh tế với nhau; đảm bảo việc trả nợ nguồn vốn ODA một cách bền vững, dồn vào các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm có khả năng trả nợ được.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, việc huy động và sử dụng các nguồn vốn ODA còn thiếu định hướng tổng thể với tầm nhìn dài hạn, còn chú trọng khâu thu hút, huy động, chưa tập trung cho khâu thẩm định hiệu quả dự án. Việc phân bổ vốn còn dàn trải khắp các bộ, ngành địa phương trong cả nước, chưa tập trung cho những dự án lớn, có tác động lan tỏa, mang tính đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế phạm vi vùng và cả nước. Các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng vốn ODA được đề cập ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, còn phân tán, thiếu tính đồng bộ, liên thông; cơ chế phân công nhiệm vụ, phân cấp quản lý còn nhiều bất cập, thiếu gắn kết giữa các khâu huy động, phân bổ, sử dụng vốn ODA thực hiện kỷ cương, kỷ luật tài chính trong quản lý, kiểm soát vốn ODA chưa nghiêm, nhiều năm bố trí dự toán thấp, giải ngân vượt dự toán dẫn đến tăng bội chi ngân sách, vượt mức Quốc hội giao.

Các ý kiến đề nghị Chính phủ cần có chính sách rõ ràng để thu hút, hướng các nguồn đầu tư trong giai đoạn 2017- 2020 cho những lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên, đồng thời tập trung khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách sử dụng, quản lý vốn ODA để nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo đảm an toàn nợ công.

Nguồn: quochoi.vn