Trong giai đoạn 2011-2016, mặc dù HS của nhà trường phần lớn ở vùng kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nhà trường đã duy trì tốt sĩ số HS, tỷ lệ HS bỏ học giảm xuống còn 5% và đến năm 2015 còn 2%. Số HS tốt nghiệp THPT duy trì ổn định, thi đỗ đại học và cao đẳng đạt bình quân 65%. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 100% và trên chuẩn là 13 người (14,1%), số lao động tiên tiến đạt 100%; có 59 lượt cán bộ quản lý, giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Trường có 10 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 62 giáo viên dạy giỏi cấp trường, 1 cán bộ thư viện đạt giải cấp toàn quốc, 1 HS giỏi quốc gia và có 37 sáng kiến, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng được xếp loại từ đạt trở lên ở cấp cơ sở và 4 sáng kiến, nghiên cứu khoa học được công nhận cấp tỉnh. Chất lượng HS được duy trì và nâng lên qua các năm. HS thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng đạt và vượt kế hoạch đề ra (năm học 2011-2012 có 263 em, đạt 100,5%; năm học 2014-2015 có 290 em, đạt 116%); HS giỏi toàn diện tăng bình quân 22,4%/năm.
Hoạt động dạy và học nền nếp của giáo viên, học sinh Trường THPT An Phước. Ảnh: Sơn Ngọc
Để đạt được kết quả dạy và học trên, tập thể sư phạm Trường THPT An Phước đã tập trung trí tuệ, sức lực xây dựng Đề án “Duy trì sĩ số HS và nâng cao chất lượng giáo dục” được Huyện ủy, UBND huyện Ninh Phước và lãnh đạo Sở GD&ĐT phê duyệt. Nội dung đề án là triển khai thực hiện các giải pháp: Thành lập Ban vận động HS ra lớp và duy trì sĩ số HS, phân công từng giáo viên phụ trách HS theo địa bàn dân cư, gắn việc vận động HS với đánh giá chất lượng giáo viên, đảng viên và xét thi đua hàng năm. Phối hợp thường xuyên giữa nhà trường với địa phương, Hội Cha mẹ HS, Hội Khuyến học, các đoàn thể vận động HS đến trường. Tổ chức dạy kèm, phụ đạo miễn phí cho HS yếu kém, khuyến khích sự cố gắng vươn lên; quan tâm hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn như cấp quần áo đồng phục, sách giáo khoa, xe đạp... để các em có điều kiện học tập. Cùng với vận động HS đến trường là chú trọng nâng cao chất lượng học tập. Hàng năm, trường đều tổ chức khảo sát, kiểm tra chất lượng phân loại HS và xây dựng kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng phù hợp. Giao trách nhiệm cho giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm phụ đạo, bồi dưỡng HS yếu kém. Tăng cường sử dụng đồ dùng trực quan, thí nghiệm, thực hành, tranh ảnh, giáo án điện tử... trong giảng dạy tại lớp; tổ chức học tập nhóm cho HS, đi dã ngoại liên hệ thực tế...; tổ chức các hoạt động ngoại khóa: Thi trò chơi dân gian, múa hát cộng đồng, thi đố vui, thắp sáng ước mơ, an toàn giao thông... Qua đó giúp HS hình thành các kỹ năng xã hội, giảm tải áp lực học hành, góp phần học tập chương trình chính khóa tốt hơn.
Những nỗ lực chăm lo sự nghiệp giáo dục của đội ngũ thầy, cô giáo, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của ngành, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể huyện Ninh Phước, Trường THPT An Phước đã trở thành địa chỉ tin yêu của HS và nhân dân địa phương. Nhiều HS từ mái trường này đã trở thành bác sĩ, cử nhân đang công tác và phục vụ tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; một số HS thành đạt đang làm việc tại các thành phố lớn trong và nước ngoài. Ghi nhận thành tích của tập thể sư phạm nhà trường, UBND tỉnh đã tặng Cờ thi đua; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích giai đoạn 2011-2016. Đây là niềm vinh dự, tự hào của thầy và trò trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, là động lực để Trường THPT An Phước nỗ lực vươn lên xây dựng và phát triển trường điển hình tiên tiến cấp tỉnh.
Trường Ninh