Đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 1.120ha nho, chiếm 90% diện tích của cả nước. Xác định khai thác tối đa lợi thế loại cây trồng chủ lực để nâng cao thu nhập cho nông dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, năm 2012, Sở KH&CN đã xây dựng Chỉ dẫn địa lý nho. Sau khi được bảo hộ, người tiêu dùng trên cả nước an tâm sử dụng, nhờ đó giá trị sản phẩm nho được nâng lên. Tuy nhiên, việc quản lý và phát triển Chỉ đẫn địa lý còn bộc lộ nhiều hạn chế; trong đó, khó khăn nhất là các hộ trồng nho chưa tích cực tham gia vào lĩnh vực này. Để phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc thù, bên cạnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, đơn vị đã mở nhiều lớp tập huấn quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho, thu hút đông đảo nông dân tham dự.
Khách du lịch mua nho tươi VietGAP tại Doanh nghiệp Thiên Thảo (xã Phước Thuận, Ninh Phước).
Ảnh: Bạch Thương
Từ chương trình này, hàng trăm hộ sản xuất nho đã nhận thấy vai trò của Chỉ dẫn địa lý đối với việc nâng cao giá trị sản phẩm đặc thù, qua đó thay đổi cách nghĩ, cách làm có hiệu quả hơn. Chỉ riêng trong tháng 9 vừa qua, đã có hơn 100 học viên là những nông dân, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nho trên địa bàn tỉnh được truyền đạt những kiến thức cơ bản về hệ thống các văn bản quản lý Chỉ dẫn địa lý; kinh nghiệm trong việc phát triển Chỉ dẫn địa lý ở địa phương. Việc học tập đi đôi với tham quan thực tế ở những nơi làm tốt công tác quản lý, phát triển Chỉ dẫn địa lý, đã giúp học viên có thêm kinh nghiệm về áp dụng tại đơn vị mình. Điểm mới của các lớp tập huấn là học viên trao đổi sôi nổi về đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ sở hữu trí tuệ cho các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp đối với sản phẩm đặc thù trong bối cảnh nông nghiệp hội nhập quốc tế hiện nay.
Anh Dương Tiến Hạnh, nông dân trồng nho ở huyện Ninh Phước, cho biết: Qua đợt học tập, tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Trước đây, tôi trồng nho theo cảm tính, không quan tâm đến đầu ra, giá cả. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, tôi nhận thức được trong bối cảnh hiện nay nông dân phải thay đổi tư duy, không chỉ sản xuất ra các mặt hàng chất lượng cao, mà còn phải tham gia vào khâu tiêu thụ sản phẩm, đăng ký bảo hộ sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao.
Đống chí Nguyễn Hoàng Sơn cho biết thêm: Xác định việc tăng cường mở các lớp tập huấn sẽ góp phần khắc phục những hạn chế trong phát triển Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nho lâu nay, nên đơn vị tạo mọi điều kiện để các học viên tham dự đầy đủ. Đơn vị cũng đã chủ động soạn giáo trình ngắn gọn, dễ hiểu, liên kết với các trung tâm đào tạo lớn trong và ngoài tỉnh, mời chuyên gia hàng đầu tham gia giảng dạy, nên chất lượng tập huấn được nâng lên. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh hoạt động phát triển các sản phẩm đặc thù trên địa bàn tỉnh; trong đó, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm đặc thù. Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2016, dự kiến hỗ trợ 10 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng mã số, mã vạch cho các sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Rà soát, củng cố hoạt động của các hiệp hội, hợp tác xã để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề ra các giải pháp hỗ trợ; tổ chức học tập kinh nghiệm mô hình quản lý, phát triển Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu tập thể sản phẩm đặc thù tại một số tỉnh bạn; tiếp tục xây dựng hồ sơ Nhãn hiệu chứng nhận tôm giống, nước mắm Cà Ná, Chỉ dẫn địa lý dê Ninh Thuận…
Anh Tùng