Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

(NTO) Sau gần 5 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương.

Hiện trên địa bàn tỉnh ta có trên 198,150ha đất lâm nghiệp. Trong đó, đất rừng đặc dụng 42,185ha, rừng phòng hộ 115,529ha và rừng sản xuất 40,436ha. Với vốn rừng hiện có, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn đã được các cấp, ngành, chính quyền đặc biệt quan tâm. Trong đó, việc thành lập và vận hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã có tác động rất lớn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, đã ngăn chặn hiệu quả tình trạng đốt, phá rừng, các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm đáng kể. Ông Dương Đình Sơn, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Đến nay, đã có 8 đơn vị ký kết hợp đồng chi trả DVMTR, với số tiền hàng năm trên 4 tỷ đồng. Qua đó, đã tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các đơn vị chủ rừng, nhờ đó nhiều đơn vị chủ rừng đã tăng diện tích giao rừng khoán quản cho các tổ cộng đồng. Tính đến thời điểm này, các chủ rừng đã giao khoán cho hộ dân, tổ cộng đồng, các đơn vị lực lượng công an, quân sự...nhận bảo vệ rừng, với diện tích 67.112ha, với mức chi trả bình quân từ 200-300 ngàn đồng/ha/năm, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.

 
Các tổ cộng đồng tích cực tham gia chữa cháy rừng.

Được biết, trước đây công tác bảo vệ rừng ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, người dân ngày càng tham gia nhiều vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Nhiều tổ cộng đồng nhận khoán quản đã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Ông Đoàn Ngọc Anh, Tổ trưởng Tổ Cộng đồng, thôn Gòn 2 (xã Lâm Sơn, Ninh Sơn), chia sẻ: Được hưởng chính sách chi trả DVMTR, đời sống của người dân trong thôn được cải thiện, người dân rất tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Cứ 3-5 ngày, chúng tôi thay phiên nhau đi kiểm tra khu vực rừng nhận khoán, kịp thời phát hiện những đối tượng vi phạm để báo ngay cho chủ rừng.

Ban Quản lý Rừng phòng hộ Krông Pha là một trong những đơn vị điển hình làm tốt công tác bảo vệ rừng, đến nay đơn vị đã giao khoán, khoanh nuôi, bảo vệ 10.662 ha rừng. Trong đó, đã giao 4.587ha rừng cho 7 tổ cộng đồng thôn và 2 đơn vị lực lượng công an, quân sự nhận khoán bảo vệ rừng. Bình quân mỗi năm đơn vi đã chi trả khoảng 1 tỷ đồng tiền DVMTR cho các tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Pha, cho biết: Chính sách chi trả DVMTR đã giúp các đơn vị có nguồn thu để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, số vụ vi phạm về rừng và cháy rừng trên địa bàn giảm đáng kể, đời sống của người dân được hưởng lợi từ rừng cũng được ổn định hơn. Nhờ đó, tình trạng chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép đã giảm hẳn; những cánh rừng tự nhiên và rừng trồng luôn được bảo vệ và phát triển tốt.

Việc triển khai chính sách chi trả DVMTR không chỉ làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, mà còn làm tăng khả năng phòng hộ, giảm thiểu tình trạng mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao chất lượng rừng, chống biến đổi khí hậu…góp phần đáng kể vào việc làm tăng độ che phủ của rừng trong toàn tỉnh lên 44,1%. Số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng giảm rõ rệt, các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã giảm đáng kể. Nhiều đơn vị chủ rừng đã sử dụng nguồn kinh phí để chi trả cho các tổ cộng đồng trong việc tuần tra, phát dọn thực bì…Qua đó, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp, tạo động lực vững chắc cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Để chính sách chi trả DVMTR tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, theo ông Dương Đình Sơn, thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng đẩy mạnh công tác xã hội hóa chính sách chi trả DVMTR; tăng cường việc kiểm tra, giám sát các đơn vị được chi trả DVMTR; tập trung tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến người dân, đặc biệt là các hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.