Mở hướng phát triển nghề sản xuất nho

(NTO) Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận - 2016, chiều 1-10, UBND tỉnh tổ chức Tọa đàm “Vang và Nho Ninh Thuận” do đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, hộ sản xuất, ngành chức năng thảo luận trao đổi, đưa ra các giải pháp đồng bộ mang tính đột phá để phát triển cây nho. Những năm qua, nghề trồng nho đã có bước phát triển đáng kể, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, tình hình sản xuất nho hiện nay vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng lợi thế. Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận: Những hạn chế của nghề trồng nho tồn tại lâu nay như diện tích chững lại, cơ cấu giống đơn điệu, hộ trồng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật là cản trở lớn của phát triển.

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Tọa đàm “Vang và Nho Ninh Thuận”.
 
 
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi Tọa đàm  
 
 
Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh điều hành buổi Tọa đàm.

Cũng theo đồng chí Trịnh Minh Hoàng, giải pháp để phát triển mạnh cây nho là tiếp tục sà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất phù hợp với thực tế đất đai và khu vực trồng, đảm bảo khai thác tốt tiềm năng của những vùng đất thích hợp với cây nho; mở rộng quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua hỗ trợ người sản xuất. Nghiên cứu, khảo nghiệm, nhân nhanh các giống nho có năng suất, chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất bằng cách xây dựng các mô hình trình diễn về giống và kỹ thuật canh tác.

Liên quan đến tiêu thụ sản phẩm nho, các đại biểu cho rằng, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp với các hộ là xu hướng tất yếu trong sản xuất lớn. Theo đồng chí Phạm Đăng Thành, Phó Giám đốc Sở Công thương, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa dồi dào khiến cho việc tiêu thụ nho gặp khó khăn. Trong khi đó, một số nông dân chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, làm cho sản phẩm nho giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nho, vấn đề cần làm hiện nay là đẩy mạnh thông tin thị trường; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối “cung - cầu”.

Các đại biểu phát biểu trao đổi tại buổi Tọa đàm.

Thực tế nghề sản xuất nho trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu mới dừng lại ở trồng nho ăn tươi, nông dân chưa quan tâm nhiều đến khâu chế biến các sản phẩm sau nho, trồng nho nguyên liệu rượu, mặt dù lĩnh vực này tạo ra giá trị gia tăng cao. Ông Nguyễn Hữu Thụy, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng, cho biết: Nông dân Ninh Thuận là khách hàng chính của công ty. Mỗi năm công ty sản xuất 4 triệu lít vang nho, có đến 80% nghiên liệu lấy từ Ninh Thuận. Nếu tỉnh phát triển mạnh vùng trồng nho nguyên liệu rượu sẽ đem lại nguồn thu lớn. Tuy nhiên, nông dân chưa mặn nồng lắm với loại nho này, cũng là cản trở trong phát huy tiềm năng lợi thế so sánh. Để tạo nguồn nguyên liệu chế biến vang nho, năm 2013 công ty đã đầu tư xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), áp dụng các biện pháp cơ giới hóa, công nghệ sản xuất tiên tiến của Châu Âu để nâng cao suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư.

Trao đổi của đại biểu tại buổi tọa đàm hướng nội dung trọng tâm vào liên kết sản xuất vốn đang thiếu chặt chẽ hiện nay. Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ Doanh nghiệp sản xuất TM&DV Ba Mọi cho rằng: Chỉ có liên kết mới chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Chỉ có doanh nghiệp mới đủ tiềm lực để đầu tư máy móc hiện đại vào trồng nho, chứ để đơn độc nông dân “tự bơi” không thể thay đổi tập quán sản xuất củ được.

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ trao đổi với các đại biểu.

Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ trao đổi với các đại biểu.

Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao ý kiến đóng góp của đại biểu mở hướng phát triển mới cho nghề sản xuất nho. Nho là cây trồng chủ lực, đặc thù, có lợi thế so sánh của tỉnh. Để đạt mục tiêu khai thác tối đa giá trị sản phẩm đặc thù, chủ trương của tỉnh trong thời gian tới là phát triển trồng nho theo hướng công nghệ cao kết hợp với du lịch nông sản, chú trọng công nghệ sau thu hoạch, có chính sách thu hút doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia vào xây dựng chuỗi giá trị nho.