Đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Toàn huyện hiện có trên 34.000 gia súc, trong đó đàn trâu, bò có khoảng 19.500 con; dê, cừu trên 18.000 con và đàn heo khoảng 13.000 con. Dù tổng đàn tương đối lớn, nhưng đánh giá một cách toàn diện thì ngành chăn nuôi của địa phương còn chậm phát triển. Ngoài năng suất thấp, con giống kém chất lượng do bị thái hóa và trùng huyết, việc chăn nuôi còn phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên, nhất là vào mùa khô, lượng cỏ tự nhiên không đủ cung cấp cho đàn gia súc, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, chất lượng đàn giảm sút…
Để đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, huyện Thuận Bắc tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng người dân chuyển dần tập quán chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi theo hướng tập trung, chủ động nguồn thức ăn, kiểm soát dịch bệnh; đồng thời chú trọng cải tạo giống thông qua việc xây dựng đề án bò đực giống lai sind, heo siêu nạc. Bên cạnh đó, địa phương vận động người dân tập trung nguồn vốn phát triển nuôi vỗ béo bò thịt; khuyến khích phát triển các trang trại, gia trại có quy mô vừa và nhỏ. Đến nay, đia phương đã vận động người dân trồng cỏ được 116 ha, hằng năm huyện còn tranh thủ các nguồn vốn các chương trình, dự án như: Dự án Hỗ trợ Tam nông, Chương trình 135 và các chương trình giảm nghèo để hỗ trợ con giống cho các hộ dân ở các xã Phước Kháng, Phước Chiến, Lợi Hải và Bắc Sơn. Nhờ đó, chất lượng đàn gia súc của địa phương ngày dần tăng đáng kể.
Trang trại nuôi heo chuyên thịt của anh Lê Phương tại xã Bắc Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay huyện Thuận Bắc có 10 trang trại và khoảng 30 gia trại chăn nuôi. Điều đáng mừng là các nông hộ không chỉ áp dụng các kỹ thuật mới trong lai tạo giống, nâng cao chất lượng đàn, tận dụng triệt đề các loại phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm, rạ và kết hợp trồng cỏ, đào ao trữ nước để chủ động nguồn thức ăn, nước uống và cách phòng dịch bệnh hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Kim Tâm (thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong) chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi bò, chủ yếu là giống bò địa phương. Do chất lượng giống không tốt và chăn thả tự do nên bò chậm lớn. Mấy năm trở lại đây, gia đình đã thay thế dần giống bò lai, đầu tư chuồng trại để nuôi nhốt và kết hợp với trồng cỏ nên đàn bò phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh. Hiện nay đàn bò của gia đình đã phát triển được trên 30 con.
Ngoài việc phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tăng số lượng đàn và chất lượng, việc phát triển đàn heo theo hướng nuôi gia công kết hợp cũng đang phát triển nhanh. Trên địa bàn huyện hiện có 5 trang trại nuôi heo gia công với Công ty Cô phần Chăn nuôi CP Việt Nam, với số lượng đàn lên tới hàng ngàn con. Với hình thức này, sau khi người dân đã có chuồng trại, Công ty sẽ hợp đồng cung cấp giống, thức ăn, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo quy trình thú y khá nghiêm ngặt. Sau mỗi kỳ xuất chuồng, người nuôi được trả công theo số lượng heo được xuất bán. Ông Lê Phương, chủ trang trại nuôi heo tại xã Bắc Sơn, cho biết: Gia đình đầu tư chuồng trại, hợp đồng với công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam để nuôi heo, được Công ty cung cấp từ con giống đến bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Theo tính toán, mỗi năm nuôi 3 lứa, với quy mô từ 300-1.800 con, lợi nhuận thu về từ 700-800 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, cho biết thêm: Với chủ trương phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương quy hoạch phát triển các vùng trồng cỏ, với diện tích khoảng 390ha. Tập trung cải tạo đàn gia súc nhằm nâng cao chất lượng đàn bò gắn với phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và bền vững. Tăng cường công tác tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Tổ chức chăn nuôi theo chuỗi từ khâu chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi giúp người chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng và tham gia các dự án, để phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Tiến Mạnh