(NTO) Có thể nói, đây là lần thứ hai tỉnh ta tổ chức “Lễ hội Nho và Vang - Ninh Thuận 2016” kể từ năm 2014. Sự kiện này đã được tổ chức rất thành công, đặc biệt là giới thiệu đến du khách cả trong và ngoài nước về hình ảnh một Ninh Thuận không chỉ “giàu có” tài nguyên nắng và gió mà còn là xứ sở của giống nho -cây trồng đặc sản- tuy không phải là “bản địa” nhưng được bàn tay tài hoa, kỹ thuật cao cộng với tình cảm sâu đậm vốn dĩ của người nông dân…đã làm nên thương hiệu cả về chất lượng, năng suất mà không phải quốc gia nào cũng có được. Điều cũng đáng nói là qua sự kiện nêu trên du lịch Ninh Thuận cũng khởi sắc không kém với lượng du khách tăng trưởng hàng năm. Đây cũng chính là những “tuyên truyền viên” miễn phí cho ngành công nghiệp không khói của tỉnh nhà.
Các doanh nghiệp đưa sản phẩm nho và vang tham gia Hội chợ triển lãm Nho và Vang kết hợp Ẩm thực Ninh Thuận năm 2016.
Ảnh: Văn Miên
Trong thời điểm khó khăn do lượng du khách có phần giảm sút trong vài tháng gần đây thì “Lễ hội Nho và Vang - Ninh Thuận 2016” sẽ như làn gió mới thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá và thụ hưởng những “cơ hội” mà các cấp, ngành và cả nhiều “nhà nho” trong tỉnh đã nỗ lực chuẩn bị từ nhiều tháng qua với mong muốn mang đến cho du khách những điều tốt đẹp nhất. Không gì khác, mục tiêu mà tỉnh ta hướng tới đó là thông qua Lễ hội nhằm tiếp tục quảng bá hình ảnh, quê hương và con người Ninh Thuận đến với du khách trong và ngoài nước; đồng thời tôn vinh những giá trị kinh tế mà cây nho mang lại cho địa phương, tạo cơ hội giao thương giữa người trồng nho, người sản xuất, chế biến sản phẩm từ nho và người tiêu dùng. Hơn thế nữa đó là đọng trong lòng du khách về sự khát vọng, vượt khó vươn lên tạo dựng cuộc sống của người dân vùng khô hạn- được cho là một trong những tỉnh khô hạn đứng đầu cả nước này. Ngoài ra, giới thiệu với du khách các sản phẩm đặc thù, riêng biệt sẵn có của Ninh Thuận...
Ở đây còn có sự “trùng khớp” rất thú vị là song song với Lễ hội đã nêu, trên địa bàn tỉnh còn diễn ra Lễ hội Katê truyền thống hàng năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn. Có thể nói đây là Lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của cộng đồng người Chăm. Lễ hội không chỉ là dịp để những người tham dự được chiêm ngưỡng các đền tháp cổ kính mà còn được thưởng thức một nền nghệ thuật ca múa nhạc dân gian với phong cách độc đáo… Được biết tỉnh ta đang tranh thủ các tổ chức Quốc tế ủng hộ việc xác lập các thủ tục, bình chọn... để UNESCO công nhận hệ thống tháp Chăm và Lễ hội Katê là Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới.
Ngoài những hoạt động chính của Lễ hội Nho và Vang gắn với Lễ hội Katê còn có các chương trình văn hóa, văn nghệ, ẩm thực với mong muốn tạo nên sự “tương tác” cao nhất giữa người dân trong tỉnh vốn đầy lòng hiếu khách với du khách. Tin rằng, bằng nhiều nỗ lực và quyết tâm các Lễ hội nêu trên sẽ đạt những thành tựu mới, tiếp tục tạo đà để khai thác hiệu quả nhất tiềm năng du lịch tỉnh nhà.
HH