Theo đó, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020, về lĩnh vực xanh hóa sản xuất: có 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt chuẩn về môi trường, trong đó có 50% các cơ sở áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và 80% khu công nghiệp, cụm công nghiệp, 50% làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý chất thải đạt yêu cầu; đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên… phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 3-4%. Về xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững: Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 50%; tỷ lệ xã đạt chuẩn vệ sinh môi trường theo tiêu chí nông thôn mới là 50%; 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; 95% rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tập trung, trong đó 60% chất thải rắn được tái sử dụng, tái chế hoặc được tái sản xuất làm phân bón; 90% dân cư hiểu biết, có kiến thức căn bản về ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu; 100% đô thị có diện tích cây xanh đạt tiêu chuẩn; giảm 80% khối lượng túi nylon sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh so với năm 2010…
Cây neem được Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Phước trồng phủ xanh vùng đất Bàu Ngứ, xã Phước Dinh.
Ảnh: Sơn Ngọc
Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, tỉnh ta đã đề ra một số giải pháp chủ yếu như: Đối với “xanh hóa sản xuất” cần đẩy mạnh thực hiện sản xuất xanh thông qua phát triển các quy trình sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, trong đó ưu tiên phát triển các ngành sản xuất ít tác động đến môi trường và tài nguyên. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới, kỹ thuật chăm sóc mới và chuyển giao công nghệ, giúp nông dân thay đổi nhận thức toàn diện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển nông nghiệp xanh thông qua việc ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng phương pháp canh tác tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất và nước...
Đối với “xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững” tỉnh ta xác định 7 hoạt động chủ yếu, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về các hành vi, cách thức sản xuất và tiêu dùng có lợi cho môi trường, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến vệ sinh, quản lý và xử lý chất thải, bảo vệ và sử dụng tiết kiệm tài nguyên. Cùng với đó nâng cao năng lực quản lý nhà nước và nhận thức cộng đồng trong bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước. Đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho cộng đồng bằng các giải pháp công trình và các biện pháp truyền thống. Mặt khác, hỗ trợ các dự án đầu tư tư nhân vào công nghệ tái chế; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bền vững; giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh tại các khu đô thị và các khu du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn…
Có thể nói, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, yêu cầu đặt ra là các ngành, địa phương cần cụ thể hóa mục tiêu, giải pháp của tỉnh thành nhiệm vụ cụ thể, sát hợp với thực tiễn. Đồng thời xem đây là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên toàn tỉnh.
TD