Phân loại nho trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: V.M
Sau gần 5 năm chuẩn bị và xây dựng đề án, năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ đã chính thức cấp văn bằng bảo hộ “Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận” cho sản phẩm nho tỉnh nhà. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã hoàn thiện cơ sở khoa học về tính đặc thù của sản phẩm nho Ninh Thuận, thành lập Hiệp hội Nho để quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận. Theo anh Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&CN, để được công nhận Đề án Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm nho là một quá trình lâu dài từ xây dựng bản đồ quỹ đất trồng nho đến xây dựng bộ dữ liệu các chỉ tiêu cảm quan, hóa tính, lý tính của nho. Từ xu hướng người tiêu dùng cần biết xuất xứ rõ ràng của sản phẩm, chính chỉ dẫn địa lý làm họ an tâm và vì vậy giá trị sản phẩm sẽ tăng lên. Cụ thể, nho hay sản phẩm sau nho muốn được cấp tem, điều cơ bản đầu tiên là hộ hay doanh nghiệp phải là thành viên Hiệp hội Nho Ninh Thuận, tiếp đó là điều kiện nho ăn tươi phải có chứng chỉ VietGAP và các sản phẩm chế biến từ nho như vang nho, si-rô nho phải công bố quy chuẩn.
Đóng vai trò là hạt nhân chịu trách nhiệm chính trong hoạt động kiểm soát nội bộ chỉ dẫn địa lý, từ trên 40 hội viên ban đầu, đến nay, Hiệp hội Nho Ninh Thuận có trên 188 thành viên, hình thành 3 chi hội: Chi hội Sản xuất; Chi hội Kinh doanh và Chi hội Chế biến. Hiệp hội đã cấp gần 70.000 tem, nhãn, bao bì mang dấu hiệu chỉ dẫn địa lý cho 8 cơ sở là hội viên gồm các doanh nghiệp: Ba Mọi, Thiên Thảo, Trí Hiệp, Mỹ Hòa, Viết Nghi, Lan Anh và HTX Nho VietGAP Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), HTX Nho VietGAP Xuân Hải (Ninh Hải). Anh Phạm Thanh Hưng, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành, Sở KH&CN, cho biết: “Sau khi có chỉ dẫn địa lý, việc khai thác giá trị của sản phẩm nho đang có nhiều dấu hiệu khá lạc quan, các cơ sở kinh doanh nho và sản phẩm sau nho đã từng bước nâng uy tín đặc sản địa phương”. Nhìn chung qua gần ba năm triển khai, Dự án “Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận” đã góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển ổn định vùng sản xuất nho truyền thống, khẳng định hiệu quả của công cụ sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn cho thấy nhận thức của người trồng nho về lợi ích lâu dài của chỉ dẫn địa lý còn nhiều hạn chế; giá trị thương mại và cơ hội thị trường của sản phẩm nho tỉnh ta cũng như lợi ích kinh tế của người trồng nho vẫn chưa được phát huy như mong muốn.
Khách du lịch mua nho tươi VietGAP tại Doanh nghiệp Thiên Thảo (xã Phước Thuận, Ninh Phước).
Thực tế cho thấy, không phải cứ dán nhãn là có ngay thị phần, chưa kể việc quản lý nông dân tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP để giữ uy tín nhãn hiệu cũng cực kỳ phức tạp. Bằng kinh nghiệm trực tiếp của người sản xuất VietGAP và dán nhãn “Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận” cho sản phẩm nho, ông Nguyễn Văn Mọi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nho Ninh Thuận và là chủ trang trại nho Ba Mọi, chia sẻ: “Theo tôi cần phải có vai trò định hướng của Nhà nước, sự tham gia của doanh nghiệp ngay từ đầu, qua đó thay đổi trong cách tổ chức sản xuất, cách đưa sản phẩm ra thị trường. Nói gì thì nói, sản phẩm làm ra không bán được sẽ làm nông dân quay lưng lại ngay, lúc ấy họ sẽ chẳng mặn mà gì VietGAP nữa”. Từ kinh nghiệm trong những năm qua, theo anh Phạm Thanh Hưng, để mở rộng vùng sản xuất nho được mang “Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận” và mở rộng quy định về giống nho, Sở KH&CN bỏ bớt điều kiện có chứng chỉ VietGAP, chỉ cần nho ăn tươi đảm bảo quy trình canh tác sạch như yêu cầu là sẽ được cấp tem.
Trước xu thế phát triển của thị trường, nhằm khai thác hiệu quả các sản phẩm nho mang “Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận” gắn với phát triển du lịch, tỉnh ta đang triển khai xây dựng Dự án “Nâng cao hiệu quả quản lý và quảng bá “Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận” cho sản phẩm nho của tỉnh Ninh Thuận”. Dự án được thực hiện trong 2 năm 2017-2018. Có thể nói, đây là bứt phá quan trọng khi tạo thêm cơ hội phát triển cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng trọt, cung ứng, kinh doanh sản phẩm nho mang chỉ dẫn địa lý của tỉnh Ninh Thuận.
Bạch Thương