(NTO) Đang giờ làm việc, cả khu lầu 1 cơ quan nhốn nháo hẳn lên, người ta thấy mấy người dìu anh mặc bộ đồ quân phục vội vã đưa đến bệnh viện. Hỏi ra mới biết, anh là sĩ quan quân đội chuyển ngành đã ba năm rồi mà bệnh sốt rét rừng còn tái phát hành hạ. Hơn tuần sau anh trở lại làm việc, bộ quân phục như rộng hơn, tóc xơ cứng, da xanh mét. Thấy mọi người nhìn mình, anh cười hàm răng như kéo hết khuôn mặt gầy tóp rồi tinh nghịch: Thấy “da” xanh màu lá “mắt” oai hùm chưa - thơ Tây Tiến của Quang Dũng đấy, các bạn ai cũng thuộc phải không? Rồi anh kể chúng tôi nghe cảm xúc về bài thơ Tây Tiến khi anh và đồng đội mình là những nhân vật đã qua trải nghiệm.
Ảnh minh họa. Nguồn baoangiang.com.vn
Trong bài thơ, hình ảnh những người lính trong đoàn quân Tây Tiến chủ yếu là học sinh, trí thức ra đi từ phố phường Hà Nội, chiến đấu ở địa bàn miền núi Tây Bắc từ Châu Mai, Châu Mộc sang Sầm Nứa (nước bạn Lào) cho tới miền Tây Thanh Hoá. Hoạt động nơi núi rừng vô cùng hiểm trở, luôn luôn thiếu thốn về vật chất, bị căn bệnh sốt rét đe doạ mạng sống hằng ngày hơn là súng đạn của kẻ thù. Hoàn cảnh ra đời, nhân vật người lính, phong cảnh, nội dung bài thơ như viết về anh cùng đồng đội, những cậu học trò vốn chỉ quen cây bút, trang giấy trắng với bao hoài bão, ước mơ, khi khoác lên mình bộ quân phục màu xanh lá úa được gọi là “chú bộ đội”. Những ngày đầu đến Trường Sơn, chỉ hành quân bộ chừng năm, sáu chục cây số nhưng đám sĩ tử mới ngày nào còn hừng hực khí thế lên đường đánh giặc đã trút bỏ dọc đường nào ba lô, quần áo, lương khô…có đứa cởi bỏ cả đôi giày vải để rồi đôi bàn chân sưng đỏ, gối mỏi, chân chùng tưởng không lê bước nổi. Chưa thấy đâu “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây, súng ngửi trời/Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” nhưng họ đã cảm nhận được thử thách sẽ đeo bám mình.
Nhớ lại những tháng năm đồng đội anh làm nghĩa vụ quốc tế nơi nước bạn, luồn rừng khộp núi cao, vượt sông, chỉ với lương khô, rau rừng, không khí và nước uống của bạn mà chiến đấu hàng tháng trời. Những lúc ăn củ rừng, cá suối thay cơm, uống nước màu gạch cua (phèn và rỉ sắt), một cây rau dền gai nấu canh cả trung đội ăn hai ba ngày, muối ăn không có làm mắt mờ, đi đứng liêu xiêu như người vô hồn… Thiếu thốn gian khổ bao nhiêu chiến sĩ ta chịu đựng được, nhưng căn bệnh sốt rét ma quái không chỉ vắt kiệt sức chiến đấu mà còn ảnh hưởng lớn đến tinh thần các anh. Người chiến sĩ sau trận sốt rét rừng mắt mờ, tóc rụng, chân tay mỏi rã rời, đứng không vững nói chi đến cầm súng chiến đấu. Hình ảnh “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm/Mắt trừng gửi mộng qua biên giới” là sự tả thực tới từng chi tiết mà chỉ người trong cuộc chiến như các anh mới cảm nhận hết được. Những trận chiến với quân thù có hy sinh mất mát, nhưng nỗi đau tột cùng lớn nhất chính là lúc nhìn bạn học-đồng đội sốt rét ác tính giật từng cơn, từng cơn đau đớn rồi vĩnh viễn ở lại nơi đất bạn mới thấm hiểu được khúc bi tráng ca “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/Gục lên súng mũ bỏ quên đời!” và đau thương đến nỗi “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”!!!
Cũng như Đoàn quân Tây tiến, trong những thời khắc gian khổ, hy sinh mất mát, nhất người chiến sĩ có những phút giây nhớ về bạn gái, người yêu cùng hình bóng quê hương. Hình ảnh “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, đêm hội giữa núi rừng, tiếng khèn và cô gái e ấp múa, dòng nước lũ hoa đong đưa…có một thời được gán cho “lãng mạn tiểu tư sản” lại chính là điểm tựa tiếp thêm sức mạnh để họ vững vàng nơi rừng thiêng, nước độc, xa quê hương, Tổ quốc. Tựu chung, sự lột tả hết sức chân thực những gian khổ, hy sinh mất mát cùng phút lãng mạn đến xiêu lòng chỉ nhằm phản ánh tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sĩ “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Nhờ vậy mà chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng.
Có lẽ cảm xúc về “Tây tiến” còn dài, nhưng không hiểu sao bỗng anh dừng lại. Đôi mắt anh nhìn vào không gian xa xăm rồi nói như trong mơ: Nếu bạn bè chiến đấu giờ tụ họp lại chắc chắn họ sẽ thống nhất rằng, thi ca đặc sắc “Tây tiến” là tác phẩm dành cho họ, những thư sinh-chiến sĩ đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để bài thơ “Tây tiến” là thi ca đọng mãi với thời gian.
Thanh Tâm