Chung tay phát triển du lịch biển bền vững

Ngành du lịch nói chung và du lịch biển Việt Nam nói riêng cần sự chung tay của cộng đồng, nhất là giới trẻ, những người sáng tạo, năng động và nhiệt huyết. Du lịch không thể phát triển đơn độc.

GS.TS. Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam khẳng định điều này tại hội thảo “Chương trình hành động vì 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) giai đoạn 2016-2030” diễn ra sáng 20/9 tại TPHCM.

Các mục tiêu SDGs xoay quanh các vấn đề chính như: Xóa bỏ nghèo đói, cải thiện chất lượng dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp, thúc đẩy giáo dục chất lượng, bình đẳng giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái…

Các chuyên gia giới thiệu về SDGs và STAI. Ảnh: VGP/Thiện Nhân

Theo GS.TS Đào Mạnh Hùng, 17 mục tiêu này có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ và có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển ngành du lịch nói chung và du lịch biển Việt Nam nói riêng.

Du lịch là ngành đặt thù, chịu ảnh hưởng của nhiều ngành nghề, yếu tố khác như kinh tế, nông nghiệp, con người, giáo dục, cơ sở hạ tầng, môi trường, biển đảo… 17 mục tiêu của Liên Hợp Quốc đã xoáy đúng vào những điểm nóng mang tính tác động này.

Trái ngược với lộ trình phát triển đơn lẻ, ngắn hạn, du lịch biển Việt Nam cần phát triển bền vững, tạo ra giá trị thụ hưởng lâu dài. Sự bền vững này được đánh giá dựa trên lợi ích, tác động lâu dài của 3 mục tiêu là xã hội, kinh tế, môi trường.

“Việt Nam ta có hơn 3.000 km đường bờ biển, hơn 125 bãi biển, bãi tắm, hàng nghìn hòn đảo để chúng ta có thể đón tiếp khách du lịch biển. Có thể nói du lịch biển là mũi nhọn của ngành du lịch.

Mục tiêu thứ 14 của Liên Hợp Quốc có nêu lên vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển, đây là điều chúng ta đang cần. Làm thế nào để môi trường biển trong sạch? Làm thế nào để khách du lịch muốn đến bãi biển của chúng ta và chúng ta cũng được thụ hưởng những điều đó? Đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta, nhất là tuổi trẻ, thanh niên Việt Nam”, ông Hùng nhấn mạnh.

Nhiều năm làm việc, giảng dạy trong lĩnh vực du lịch ThS. Lê Minh Thành, giảng viên Đại học Hoa Sen nhận xét: “SDGs có sự gắn kết và tác động qua lại với ngành du lịch. Chúng ta tách riêng ngành du lịch ra để có sự tập trung, nhưng thực tế nếu giải quyết vấn đề gì đó, hoặc đưa ra một giải pháp nào đó thì nó gần như gắn chặt với các mục tiêu khác. Du lịch Việt Nam hiện tại đang cần một lộ trình cụ thể để phổ biến về ý nghĩa, tác động của du lịch bền vững. Ngay bây giờ, chúng ta nên bắt đầu hành động vì du lịch bền vững bằng những hành động nhỏ nhưng mang lại tác động lâu dài”.

Trong khuôn khổ của SDGs, cuộc thi “Sáng kiến phát triển du lịch biển bền vững” (STAI) là một điểm sáng mở màn cho chuỗi hành động vì môi trường biển của thanh niên Việt Nam.

Với STAI, tất cả thanh niên Việt Nam từ 18-30 tuổi đều có thể thể hiện các ý tưởng, sáng kiến, phương pháp khả thi trong việc bảo vệ, phát triển du lịch biển. Những ý tưởng hay và có tính ứng dụng cao sẽ được hỗ trợ thực hiện trong thực tế.

Bên cạnh các hoạt động kêu gọi cộng đồng, thanh niên, SDGs còn đẩy mạnh việc liên kết với các đơn vị lữ hành, công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn, trường học nhằm tạo nên sự kết nối chặt chẽ và sự lan tỏa cao.

Nguồn www.chinhphu.vn