(NTO) Có thể nói, trong vòng 5 năm trở lại đây, nho Ninh Thuận-cả nho đỏ (Red Cardinal) và nho xanh (NH-01-48)- đã được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến bởi hương vị ngọt thanh, đậm đà… rất khó tả-như lời nhiều du khách đã từng thưởng thức qua và đã trở thành thương hiệu “mạnh”, xác tín đối với không ít người tiêu dùng khi có nhu cầu. Chính từ việc đã nói đến nho là hình dung ngay của Ninh Thuận, mặc dù có người chưa từng đặt chân đến vùng đất... “nho” bao giờ đã dẫn đến tình trạng nhiều người kinh doanh mặt hàng này nhất là những người bán lẻ, hàng rong đã không ngần ngại bán nho được cho là của Trung Quốc nhưng gắn “mác” Ninh Thuận, không chỉ vậy mà còn nói chắc như “đinh đóng cột” là nho chính gốc tại Ninh Thuận để đánh lừa khách hàng. Không chỉ ở hai thành phố lớn như Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh mà có cả những tỉnh, thành sát với Ninh Thuận như Nha Trang-Khánh Hòa nho Trung Quốc cũng “đội lốt” nho Ninh Thuận để bán. Tất nhiên, tùy theo mức độ “tin cậy” vào lời “quảng cáo” của người bán giá cả cũng khác nhau nhưng đa phần được rao bán với giá rẻ, như nho đỏ hiện tại ở Hà Nội bán giá 40.000 đồng/kg, nho xanh trên dưới 60.000 đồng/kg trong khi tại nơi sản xuất ra những chùm nho chín kia đã hết hàng, có chăng còn một số ít vườn nho trái vụ và như vậy tại nhà vườn giá cả cũng không phải là thấp. Một số người đã từng bị “lừa” kiểu nhái nhãn hiệu này than phiền: - Thật không biết đâu mà lần, giá như nho Ninh Thuận được đóng bao bì “bảo chứng” thì khách hàng không phải nhận “cục tức” vì vừa mất tiền lại vừa mua phải sản phẩm... dỏm và chẳng biết khi ăn nhầm có hại cho sức khỏe không?. Tất nhiên, để tránh hàng “nhái” thì quyền thuộc về người tiêu dùng trong việc tự trang bị những kiến thức cần thiết về sản phẩm cần mua nhất là đối với hàng thực phẩm tươi sống...
Người tiêu dùng chọn mua nho xanh Ninh Thuận tại siêu thị. Ảnh: Sơn Ngọc
Trước thực trạng đã nêu, không ít “nhà” nho chính hiệu tỏ ra lo ngại, rằng nếu để tình trạng giả mạo, lập lờ này kéo dài tất yếu sẽ dẫn đến người tiêu dùng thiếu niềm tin vào người bán, đồng nghĩa với việc thương hiệu nho Ninh Thuận trở nên bị “hoài nghi” trong suy nghĩ người tiêu dùng dẫn đến “tẩy chay” thì hệ lụy sẽ rất lớn đối với người trồng nho “gốc” của Ninh Thuận. Đành rằng hiện tại với sản lượng hàng năm trên dưới 30.000 tấn nho các loại thì không đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường trong nước. Mặc khác, do bị lệ thuộc vào mùa vụ nên trong năm có nhiều tháng bị “đứt đoạn” không có sản phẩm, đành rằng đã có táo xanh Ninh Thuận- hiện cũng đã nổi tiếng ngon- thay thế nhưng chính thời điểm này là nho bị giả thương hiệu nhiều nhất.
Cần trả lại “tên” cho nho chính gốc Ninh Thuận là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay. Không thể kêu gọi ở người kinh doanh sự mua bán trung thực mà cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc xử lý những người buôn bán hàng “nhái”, cố tình lập lờ “đánh lận” người mua . Đồng thời người trồng nho Ninh Thuận cũng cần có ý thức trong việc bảo vệ nguồn lợi mang lại từ thương hiệu đã được xác lập bằng việc nâng cao chất lượng thông qua quy trình sản xuất nho sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng...
HH