Lấy lại tư thế ngồi, anh bạn trẻ đằng hắng: Ở đời chẳng cái dại nào giống cái dại nào, thế nên mới có chuyện là chồng mà bị vợ sai khiến, lại không hay biết. Cái tay này em kể bác nghe, hắn thuộc dạng giỏi giang nhưng khổ nỗi dại dột, giao thẻ ATM (tiền lương) cho vợ quản lý. Nghe hắn than phiền: Dại, có chuyện hiếu hỉ gì đành ngửa tay, em ơi tiền mừng đám cưới con thằng bạn. Vợ giao ngay cho cái phong bì mới tinh tươm, sướng không!? Rủ bạn đi cùng cho vui, rồi hỏi “mức tối thiểu là bao nhiêu”. Nhân lúc bạn lơ đãng, hắn mở phong bì kiểm tra mới biết số tiền vợ đưa thấp hơn mệnh giá tối thiểu chung “một đồng” (một trăm ngàn đồng). Về nhà nói xoáy bà xã “làm người ai làm thế”- không ngờ vợ bảo “cơ quan em mức đó thôi”! Cảnh báo vợ biết chứ hắn đã bổ sung từ “quỹ đen” cho đủ như mọi người. Thế nhưng, đâu chỉ mỗi tháng có một đám cưới, tháng thường cũng vài ba đám, rồi sinh nhật, giỗ chạp… hỏi thì bà xã hắn bảo “của ai người ấy tự xử”!? Cho chừa, ai biểu tự nguyện “giao thẻ ATM cho vợ”! Thôi thì chuyện hiếu hỉ là nghĩa tình, ráng cày thêm để bù đắp cũng chẳng sao nhưng cái vụ vợ giao đi chợ thì tức ơi là tức. Đàn ông đàn ang ra chợ mà trả từng đồng cắc, người ta coi thường. Vậy nên, vợ giao tiền đi chợ mua quần áo cho con, đồ ăn thức uống... thì hắn âm là cái chắc! Nhưng cũng tại cái bệnh sĩ nữa, hàng hóa, dịch vụ hắn mua bao giờ cũng báo vợ đã giảm tối thiểu mười lăm phần trăm mà vợ vẫn chê mua mắc. Có lần vô tình nói con biết việc mua bán, lúc thông báo bà xã giá cả, ai dè con để lộ, thế là được ngay bài học “ông bị em xinh đẹp nào dụ rồi phải không”!? Có em xinh đẹp dụ mình đã mừng… nghe mà ấm ức!
Thế nhưng, có cái dại mà để rồi tự thân còng lưng gánh lại không dám than một lời với vợ bởi “được ngậm bồ hòn làm ngọt”. Đó là lần đứa con gái đầu trúng tuyển đại học, vợ hắn bảo, anh ơi em gom hết rồi thiếu vài chục triệu, mượn giùm em nhé! Vò đầu, gãi tai, xoay đâu ra tiền bây giờ bởi anh em cùng cơ quan hầu hết đều có thành tích xây dựng ngân hàng (mượn tiền gối đầu trả thông qua trừ lương). Kể cái khó với thằng bạn thân, ai dè lại được nhắc nhở, con trúng tuyển đại học thương hiệu ông phải thưởng cho cháu mới xứng tầm làm cha. Hắn bỗng giật mình, sao ta tối dạ thế nhỉ, giờ tính sao đây? Thấy hắn có vẻ mông lung, bạn nói: Mình cho ông mượn, bao giờ có trả cũng được. Có đường thoát lại thêm hưng phấn nên dấn thêm: Ông bổ sung thêm để tôi thưởng cho cháu. Ngày liên hoan gia đình mừng cháu đậu đại học và tiễn cháu tựu trường, hắn dõng dạc tuyên bố trước cha mẹ vợ thưởng tiền cho con. Nhìn khuôn mặt vợ con rạng ngời, những tiếng vỗ tay hân hoan của cha mẹ vợ, hắn cảm nhận đúng mình có “tầm” và thầm cảm ơn thằng bạn. Cháu đi học được hơn học kỳ, hắn nhắc vợ, em ơi cố gắng cuối năm trả một nửa số tiền anh mượn bạn nhé. Cứ tưởng vợ hắn đã có cách hoặc ít ra bàn giải pháp cùng nhau giải quyết, ai ngờ cho ngay chén nước mát “anh mượn chứ em đâu có mượn”!? Chuyện dại vợ là vậy bác thấy sao?. Hắn còn gửi lời nhắn lại, mong các ông đừng như tôi!
Nghe chuyện anh bạn trẻ kể, tôi chợt hỏi không biết có bao nhiêu đức ông chồng “dại vợ” như hắn? Chỉ có điều dại nhưng hắn luôn được vợ con yêu thương, gia đình hòa thuận, vui vẻ thì cũng đáng. Cũng nhờ mấy vụ “dại vợ” đó mà hắn năng động hơn, chịu khó học hỏi mọi người làm ăn có thêm thu nhập ngoài lương để trang trải cuộc sống hằng ngày của gia đình. Và tự hỏi bản thân: Không biết tay “dại vợ” này sinh sống ở đâu để mình tìm đến học tập. Còn khẩu hiệu hành động mà cánh đàn ông hay quảng cáo “đàn ông sợ vợ là... khôn” cũng cần sửa lại thành “đàn ông dại vợ là khôn” cho đúng nghĩa.
Thanh Tâm