Câu chuyện của Lồng đèn

(NTO) Trung thu nào cũng vậy, Lồng đèn có mặt khắp mọi nơi, cùng với chú Cuội, chị Hằng Nga trở thành những hình ảnh quen thuộc của các bé. Lồng đèn ngày càng kiêu kì, không chịu sống cảnh thôn quê với tre nứa, bột hồ và giấy màu; dần quen với môi trường “đô thị hóa”, Lồng đèn ngày càng rực rỡ, sành điệu hơn nhưng tự dưng lại cảm thấy buồn…

- Sắp đến Trung thu rồi, các bạn nhỏ mong gặp cháu lắm, sao ông thấy cháu buồn? Thấy Lồng đèn buồn, ông Sao vỗ về hỏi cháu.

- Cháu thấy có gì đó thiếu thiếu ông ạ. Cháu nhớ các bạn nhỏ lắm, nhưng các bạn nhỏ hình như không còn thương cháu nữa. Lồng đèn sụt sùi.

- Ông thấy các bạn nhỏ yêu cháu lắm chứ. Từ khi xưa, lúc cháu còn chưa ăn mặc thời trang như bây giờ, các bạn nhỏ đã nâng niu cháu mỗi dịp Trung thu.

- Cũng vì thế mà cháu thấy buồn. Ngày xưa các bạn nhỏ yêu cháu bao nhiêu thì nay dường như sự có mặt của cháu vào mỗi dịp Trung thu chẳng có ý nghĩa gì cả. Các bạn chẳng chơi với cháu nhiều, chỉ chăm chăm vào bánh kẹo. Lồng đèn thở dài trông thật tội nghiệp.

- Cháu nói cũng phải. Ông cũng thấy nhớ hình ảnh ngày xưa của cháu, mùi nến thơm, mùi bột hồ, giấy màu, tre nứa thấy thân thương lắm. Giờ người ta cứ gắn cho cháu đủ thứ công nghệ mới: pin điện tử, âm thanh, ánh sáng điện tử. Không còn giấy và nến, các bạn nhỏ không chán cháu, nhưng có lẽ Trung thu sẽ không mang nhiều kỷ niệm sâu sắc như khi xưa.

- Ông ơi, ông nói giúp với các bạn nhỏ rằng Lồng đèn rất nhớ các bạn, Trung thu này các bạn nói ba mẹ mua cho Lồng đèn khi xưa nhé, đừng mua Lồng đèn điện tử nha ông...

Ông Sao ôm cháu vào lòng, cổ họng nghèn nghẹn nhưng biết làm sao được, thời buổi này đâu còn nhiều người vui Trung thu với Lồng đèn truyền thống. Ông chỉ mong sao những chiếc Lồng đèn ông sao năm cánh truyền thống của dân tộc vẫn còn được các bạn nhỏ nâng niu, dù cho cuộc sống đã thay đổi nhiều.