(NTO) Cho tới bây giờ, dù đầu đã bạc trắng, nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được thằng bạn hàng xóm thời con nít. Lứa chúng tôi lúc đó chừng 4-5 tuổi, mà cu cậu đã biết “lừa” mẹ để có tiền xơi kẹo thì phải gọi là con nít… ranh mới đúng chuyện của nó! Số là hôm ấy, bà mẹ đưa cho hắn 5 đồng và dặn qua quán tạp hóa lối xóm mua 4 đồng nước mắm, còn lại 1 đồng cho hắn mua kẹo. Thấy 1 đồng kẹo quá ít, cu cậu bèn “đổi ý”. Xách hàng về, cu cậu báo cáo: Dạ thưa má, đây là 4 đồng nước mắm ạ. Nhìn cái chai cu cậu mang về và cái túi áo đầy kẹo, bà mẹ chỉ cười và bảo hắn: Thôi, con ráng mà ăn kẹo trừ cơm vài bữa nhen… Cu cậu hu hu… thật thà khai báo và từ đó không bao giờ dám lừa người lớn nữa!
Lứa chúng tôi lớn lên, thời gian làm “tan đàn xẻ nghé”, mỗi thằng đi mỗi ngả, nhưng chuyện của cu cậu lừa mẹ, tôi còn nhớ mãi! Rồi tôi cũng đi làm công nhân trong thời kỳ “bao cấp”, hàng tháng được mua nhu yếu phẩm định lượng theo tem phiếu… và thuốc lá điếu là mặt hàng chỉ dành cho đám đàn ông chúng tôi. Nhưng thật đáng thương, xí nghiệp có vài ba chị mà các ông chồng của họ đốt thuốc lá còn hơn nông dân đốt… rơm mùa gặt! Thế thì qua được chỉ vẽ, các chị mới làm đơn khai rằng mình bị nghiện thuốc lá nặng, rồi cơ quan, Công đoàn, Đoàn Thanh niên xí nghiệp xác nhận bằng vài con dấu mới… lừa được bên Thương nghiệp cấp cho với giá “phân phối”, có cái mà mang về cho các đức ông chồng…
Rồi thời gian sau này, sang công tác ở khối đoàn thể, chắc ai cũng biết, rõ ràng là các hội, đoàn chúng tôi tiếp khách cơ sở ngày nào cũng nườm nượp, cho nên cái khoản “trà lá” là tốn kém ghê gớm. Tháng phải mất hơn ký, mà phải là chè Thái mới được, trong khi chi phí mỗi tháng cơ quan chỉ được… uống vài ba lạng trà thường mà thôi! Thế là trong cái khó nó mới ló cái… lừa. Tháng nào tôi cũng phải nhờ tới khoản văn phòng phẩm, đó là phải phát sinh vài “gam” giấy A4, cho vài cái bóng đèn nê-on bị cháy, bình thuỷ, ly tách bể (!?). Đến nỗi vị trưởng phòng Tài chính nói với thủ trưởng của tôi: Chà, dạo này “tiếp khách” nhiều lắm sao mà cứ… lừa nhau thế!
Suy cho cùng, trong đời sống xã hội, từ xưa tới giờ, khi cái chuyện… lừa xảy ra thì phải có bên bị thiệt hại. Tùy phạm vi và nội dung lừa, lắm khi để lại hậu quả khá nghiêm trọng, nặng nề như hoạt động bán hàng “đa cấp”, các đường dây huê hụi bị “bể” với quy mô lớn, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội và thiệt hại về kinh tế khó mà khắc phục ngày một, ngày hai được.
Minh Sĩ