Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án 258
Chiều 24-8, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp (Đề án 258) đã chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh công tác giám định tư pháp đã có nhiều thay đổi sau khi ban hành Đề án 258. Nhận thức của các cơ quan chức năng có chuyển biến tích cực, 49 Ban Chỉ đạo ở địa phương đã được thành lập. Các cơ quan đã ban hành 36 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp.
Hệ thống giám định được củng cố, kiện toàn; cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, tăng cường, từng bước đáp ứng yêu cầu; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ thực hiện giám định tư pháp, tăng cường hoạt động giám định, yêu cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng… Trong 5 năm thực hiện, hầu hết các nhiệm vụ lớn của đề án đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc, khó khăn cần sớm được khắc phục. Đó là chậm ban hành văn bản hướng dẫn, một số quy định không còn phù hợp, các quy định của tố tụng về trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận chưa cụ thể, thực hiện chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ sở vật chất nhiều nơi còn thiếu, chưa bổ nhiệm đủ cán bộ giám định. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, lãnh đạo một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám định tư pháp, chưa tập trung nguồn lực cần thiết để triển khai đề án… Do vậy, đến nay vẫn còn một số nhiệm vụ của Đề án chưa được triển khai kịp thời.
Ở một số khâu, công tác giám định tư pháp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống như trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, pháp y tâm thần. Một số vụ trưng cầu giám định còn chung chung, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, vẫn còn tình trạng giám định nhiều lần nhưng kết quả lại khác nhau. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện toàn diện công tác giám định để bảo đảm tính khách quan, khoa học, minh bạch.
Phó Thủ tướng chỉ ra những yếu kém trong công tác giám định tư pháp, nhất là thực hiện giám định phục vụ cho yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng, môi trường, đất đai, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kết luận giám định chậm, có những vụ án phải có ý kiến của cấp cao mới đẩy nhanh được tiến độ giám định gây băn khoăn trong dư luận xã hội…
Theo Phó Thủ tướng, giải pháp cho tình trạng này là phải có tính chế tài cụ thể, khi cơ quan trưng cầu giám định đề nghị giám định thì tổ chức giám định phải thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ trả kết luận giám định, nếu từ chối giám định phải có lý do chính đáng, không thể “ngâm” hay từ chối không chính đáng được.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu việc xây dựng các tổ chức giám định độc lập và cán bộ chuyên trách giám định trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác giám định hiện nay.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự lễ ký cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi
Ngày 24-8 tại TP.HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp dự lễ ký cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo UBND 32 tỉnh, thành phố phía Nam, các hiệp hội doanh nghiệp nhằm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ.
Theo số liệu công bố tại lễ ký kết, trong 6 tháng đầu năm nay, sau khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết quan trọng như 19, 35, cả nước đã có hơn 54.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 22% với tổng vốn đăng ký là 427.762 tỷ đồng, tăng 51,5% so với cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 14.902 doanh nghiệp, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2015 chỉ tăng 2,2%. Số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng 2 lần.
Đánh giá đây là những con số ấn tượng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là có thể đạt được. Tuy nhiên, ông cho rằng chủ trương, cơ chế chính sách ngày một hoàn thiện nhưng vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện: “Chỉ Trung ương, Chính phủ làm thôi thì không được, phải từng bộ, ngành, địa phương, từng công chức viên chức phải bắt tay vào việc. Chủ động, kịp thời xử lý các vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết”.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm cán bộ công chức nhũng nhiễu doanh nghiệp. “Nhắc nhở sai phạm không xong thì kỷ luật. Thủ tục kỷ luật lâu nên trước khi kỷ luật thì cho cán bộ sai phạm nghỉ việc, thay anh khác làm và kỷ luật phải nghiêm khắc”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nêu rõ những chủ trương, giải pháp của Chính phủ trong hỗ trợ doanh nghiệp, đó là tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp trong mọi thành phần kinh tế; đổi mới doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Đồng thời phát triển 5 loại thị trường vốn đang rất thiếu và yếu gồm: Thị trường hàng hóa, khoa học công nghệ, bất động sản, lao động, tài chính-ngân hàng, vốn đang rất thiếu và yếu ở trong nước.
“Nếu không giải quyết được nút thắt của năm thị trường này thì cải cách thủ tục hành chính thì cũng chưa ăn thua. Các địa phương cũng phải quan tâm tới việc này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, chính quyền các địa phương đối thoại với DN không phải chỉ là tháo gỡ vướng mắc khó khăn về giảm, miễn thuế, như vậy là không trúng, mà phải đối thoại theo nguyên tắc “win-win”, đôi bên cùng có lợi để nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và giá trị thương hiệu quốc gia.
Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh và thành phố khẩn trương thành lập, công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp. Sắp tới, Chính phủ sẽ mở trang thông tin tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp.
Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý VCCI nhanh chóng xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp, phản ánh chi tiết số liệu về doanh nghiệp, công bố định kỳ năm, bắt đầu từ năm 2017.
VCCI cũng cần sớm nghiên cứu về dịch vụ hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và đề xuất một giải pháp hợp tác công-tư cho lĩnh vực này, vốn rất quan trọng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương chủ động xây dựng mô hình này để triển khai, rút kinh nghiệm trong thực tiễn.
“Sau khi ký rồi không phải để trong ngăn kéo mà phải tổ chức triển khai để đạt được ít nhất một triệu doanh nghiệp vào năm 2020”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Nguồn Văn phòng Chính phủ