Trên cơ sở Quy hoạch phát triển Kinh tế- xã hội của tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với các trụ cột phát triển gồm: Du lịch và dịch vụ; nông nghiệp- thủy sản; sản xuất công nghiệp; giáo dục và đào tạo; xây dựng và bất động sản. Từ các trụ cột này, UBND tỉnh đã phê duyệt 57 dự án kêu gọi đầu tư, trong đó ở lĩnh vực du lịch và dịch vụ có 17 dự án, nông nghiệp 5 dự án, công nghiệp 17 dự án, giáo dục và đào tạo 3 dự án, xây dựng và bất động sản 15 dự án. Trong đó, theo đánh giá chung, có 3 lĩnh vực được xem là tiềm năng quan trọng của tỉnh và sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, đó là lĩnh vực du lịch, lĩnh vực năng lượng tái tạo và lĩnh vực nông nghiệp. Có thể nói các lĩnh vực nêu trên đều mang tính đặc thù, riêng có của tỉnh, đồng thời theo đó là các chính sách ưu đãi đầu tư tốt nhất đối với các dự án nói chung mà không phải tỉnh nào cũng có được.
Được biết, quan điểm của tỉnh tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lần này là không phô trương hình thức; thông qua Hội nghị, tỉnh mong muốn nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước và cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, xem thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh. Tuy nhiên, thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng mời những nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính…; không thu hút tràn lan dẫn tới kém chất lượng. Cần thiết trên một dự án nhưng có từ hơn một nhà đầu tư thì phải xét chọn theo quy định của tỉnh và giám sát việc cam kết thực hiện, kiên quyết không để dự án “treo”, gây lãng phí tài nguyên và gây mất niềm tin trong nhân dân. Tất nhiên, cùng với quyết tâm này, tỉnh luôn mong muốn tạo cơ hội cho những nhà đầu tư đến sau. Đặc biệt, Ninh Thuận không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà có sự lựa chọn về công nghệ, bảo đảm thân thiện với môi trường... hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong tỉnh... Ngoài ra, bên lề của Hội nghị, tỉnh cũng tạo điều kiện để các nhà đầu tư giao lưu, trao đổi, tìm hiểu các danh lam thắng cảnh, những nét văn hóa độc đáo, riêng có của Ninh Thuận, nhằm quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người Ninh Thuận. Cùng với đó, tỉnh cũng mong muốn được các nhà đầu tư, doanh nghiệp hỗ trợ, đóng góp vào các chương trình an sinh xã hội của tỉnh.
Thời gian qua để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh ta đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ, liên thông” trong thực hiện thủ tục đầu tư để cải thiện môi trường thông thoáng, thân thiện và minh bạch… nên đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhân. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 325 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận địa điểm đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 115.000 tỷ đồng; trong đó, có 284 dự án cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 57.820 tỷ đồng; có 41 dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư với tổng vốn đăng ký 58.092,3 tỷ đồng, tập trung các lĩnh vực phát triển du lịch, năng lượng, sản xuất giống thủy sản, chế biến nông, thủy sản, khai thác, chế biến khoáng sản… Từ thực tiễn thực hiện sẽ là cơ sở để tỉnh ban hành những chính sách nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp - nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa trong thời gian đến.
TD