Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vào tỉnh

(NTO) Trong định hướng phát triển, kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta xác định tập trung huy động tốt nhất và phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững theo mô hình “kinh tế xanh, kinh tế sạch”. Theo đó, 6 nhóm ngành trụ cột gồm: Năng lượng; du lịch; nông-lâm-thủy sản; công nghiệp; giáo dục–đào tạo; xây dựng và kinh doanh bất động sản được tỉnh ưu tiên phát triển, với mục tiêu đến năm 2020, các nhóm ngành này đóng góp khoảng 91% GRDP của tỉnh và giải quyết 85% lao động xã hội.

 
Vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) điểm du lịch hấp dẫn của Ninh Thuận.

Để cải thiện môi trường đầu tư, những năm qua, Ninh Thuận đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho các nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là tỉnh đã thành lập đưa vào hoạt động Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO) để cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông”. Với quy trình tiếp nhận và giải quyết các thủ tục như trên, nhiều vướng mắc của các nhà đầu tư đã được giải quyết kịp thời; trong đó có một số thủ tục được rút ngắn từ 30-50% so với quy định như: Thủ tục cấp đăng ký kinh doanh được rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 3 ngày và hiện nay tỉnh đang phấn đấu giảm còn 2,5 ngày làm việc. Đối với các thủ tục đơn giản như cấp mã số thuế, đăng ký kê khai thuế, giới thiệu địa điểm đầu tư..., được tiếp nhận giải quyết giao trả trong ngày, tạo thuận lợi giúp các nhà đầu tư giảm được thời gian đi lại nhiều lần.

Đặc biệt, với mong muốn tạo ra cơ hội và động lực phát triển mới, ngày 27-8 tới, tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư nhằm mời gọi trực tiếp các Tập đoàn, Tổng Công ty, các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thương hiệu, tiềm lực tài chính đến với tỉnh. Để chuẩn bị cho công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh đã lập danh mục chi tiết 57 dự án kêu gọi đầu tư, trong đó: Lĩnh vực du lịch-dịch vụ-thương mại có 17 dự án; nông nghiệp, nông thôn 5 dự án; công nghiệp 17 dự án; giáo dục-đào tạo, y tế 3 dự án và xây dựng, bất động sản 15 dự án, theo hình thức đầu tư trong nước, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài.

 
Công ty May Tiến Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Văn Miên

Điểm đáng lưu ý tại hội nghị lần này là ngoài giới thiệu những tiềm năng, lợi thế; thông tin cụ thể định hướng phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 của địa phương, tỉnh còn đề cập đến các chính sách ưu đãi đối với từng dự án. Theo đó, các chính sách ưu đãi sẽ được tỉnh áp dụng ở mức cao nhất trong khung của Nhà nước đối với thuê đất, cấp đất và thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất nhập khẩu. Cụ thể, đối với địa bàn 6 huyện trong tỉnh, các dự án thuộc danh mục, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư sẽ được miễn toàn bộ tiền thuê đất, thuê mặt nước; các dự án thuộc danh mục, lĩnh vực khuyến khích đầu tư và dự án thuộc lĩnh vực liên quan khác ngoài được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước từ 11–15 năm, được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm đầu tiên kể từ khi có thu nhập chịu thuế, các doanh nghiệp còn được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Đối với các dự án đầu tư trên địa bàn Tp. Phan Rang–Tháp Chàm sẽ được miễn tiền thuê đất, mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản (tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước). Sau thời gian hoàn thành xây dựng cơ bản đi vào hoạt động, các dự án tiếp tục được miễn tiền thuê đất từ 7-15 năm; được áp dụng thuế suất 17% trong 10 năm đầu; được miễn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Riêng các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục–đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp sẽ được áp dụng thuế suất 10% trong cả thời gian thực hiện và áp dụng cho tất cả các địa bàn.

 
Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị Co.opMart Thanh Hà. Ảnh: Mai Dũng

Mặt khác, để tăng cường tính minh bạch, giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin, tỉnh còn công khai quy hoạch chi tiết của các huyện, thành phố và các ngành; yêu cầu các ngành, địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, nhất là các liên quan đến vấn đề đất đai, nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa các loại quy hoạch, như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; Quy hoạch tổng thể các ngành; Quy hoạch xây dựng; Quy hoạch sử dụng đất…, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mời gọi vào rồi đến khi triển khai dự án thì lại vướng mắc, chồng lấn không triển khai được.

Với một loạt các chính sách ưu đãi đầu tư mà tỉnh đề ra, đã tạo bước đột phá đưa môi trương đầu tư của Ninh Thuận ngày được cải thiện rõ nét, với số lượng dự án đầu tư vào tỉnh ngày càng nhiều. Trong đó, có một số dự án mới như: Dự án Điện gió Trung Nam của Công ty Cổ phần Trung Nam; Khu Đô thị biển Bình Sơn–Ninh Chử, do Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom Holdings làm chủ đầu tư; Dự án Trung tâm sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ thế hệ 3G, do Công ty Cổ phần thủy sản Việt Úc làm chủ đầu tư... sẽ được khởi công trong những ngày tới, là điểm nhấn, đòn bẩy để cho làn sóng đầu tư mới được kỳ vọng đổ vào Ninh Thuận ngày một nhiều hơn.