(NTO) Anh bạn tôi có thói quen dăm hôm lại rủ rê bạn bè thân tình đến quán làm lai rai, nói chuyện “trên trời dưới đất” để gọi là… “giảm áp lực cuộc sống!”. Điều “đặc biệt” ở anh là bạn bè uống bao nhiêu thì tùy tửu lượng nhưng riêng anh chỉ “xin” hai lon bia là đủ, đôi khi quá vui có thêm cũng chỉ cộng một lon nữa mà thôi. Cũng chính vì điểm riêng có này nên bạn bè không “xếp” anh vào diện… “dân nhậu” mà chỉ “liệt” anh vào hàng “ham vui” cùng bè bạn… Mới đây, trong dịp cuối tuần, nhóm bạn bè tôi lại tụ tập bù khú, anh “tuyên bố” thẳng thừng là từ nay về sau xin hạ “chỉ tiêu” xuống còn một lon là đủ vì nếu không sẽ… “dính” phạt theo Nghị đinh 46 như chơi. Anh khuyên mọi người cũng nên như vậy hoặc nếu uống như mọi khi thay vì đi xe máy về nhà thì tốt nhất là chuyển sang đi xe taxi cho tiện, vừa an toàn, vừa được tiếng là chấp hành tốt quy định về an toàn giao thông!. Vài người khen “nửa đùa nửa thật”: - Ông này dân luật có khác!.
Lực lượng CSGT Tp.Phan Rang - Tháp Chàm tuần tra xử lý vi phạm về ATGT. Ảnh: Anh Tuấn
Thực ra, Nghị định 46 được Chính phủ ban hành nhằm thay thế các Nghị định 171 và 107, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và có hiệu lực thi hành từ 1-8-2016. Trong đó, hơn 100 hành vi và nhóm hành vi vi phạm giao thông bị tăng mức phạt. Chỉ đề cập đến nhóm vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì tùy mức độ nhiều hay ít, nếu vượt “ngưỡng” cho phép thì thấp nhất cũng “dính” phạt từ 1 – 2 triệu đồng; cao hơn sẽ ở mức 3 – 4 triệu đồng và tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng trước đây lên từ 3 tháng đến 5 tháng…Không ít người đặt vấn đề: - Vậy uống bao nhiêu bia, rượu thì đến “ngưỡng” phạt để…dừng mà về nhà cho an toàn ?. Quả là khó có thể đưa ra “chỉ số” chính xác vì còn tùy vào cơ địa của mỗi người. Không đâu xa, mới đây báo chí đưa tin tại Hà Nội đã có trường hợp tài xế bị xử phạt mức 17 triệu đồng, tạm giữ ô tô 7 ngày, tước bằng 5 tháng chỉ vì uống 2 ly bia!. Theo một số chuyên gia cho biết, mỗi người chỉ cần uống chừng 2-3 ly rượu mạnh (40 độ, 30 ml) hoặc 2-3 lon bia (loại 330 ml) thì đã vi phạm rồi…
Dư luận chung rất ủng hộ việc xử phạt theo Nghị định 46 bởi tính răn đe, làm “thức tỉnh” những người vốn có thói quen “nhậu tới bến” chạy xe trên đường dễ gây tai nạn; hoặc chạy quá tốc độ; vượt đèn đỏ… Nhân đây, xin nêu vài con số để suy ngẫm: Mỗi năm Việt Nam có trên 12.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó trên 4.800 trường hợp có liên quan đến rượu bia. Ngoài các tổn thất về người, tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia tại Việt Nam cũng gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế, khi mỗi ngày “bay hơi” 250 tỷ đồng và 2,9% GDP/năm. Điều đó cho thấy “văn hóa” nhậu nhẹt đã gây ra hậu quả khôn lường đến mức nào nhưng để lập lại trật tự có lẽ còn rất gian nan chăng!.
TD