(NTO) Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 76 HTX, với trên 28.000 thành viên (bình quân 368 thành viên/HTX), trong đó có 61 HTX chuyển đổi và đang hoạt động thực sự theo Luật HTX mới, chiếm 80,3%; còn lại 15 HTX tạm ngừng hoạt động chờ giải thể hoặc chuyển đổi sang loại hình khác, chiếm 19,7%. Nếu phân theo lĩnh vực, nhiều nhất vẫn là nông nghiệp có đến 51 HTX, chiếm 67,1%... Nhìn chung, các HTX đã thực hiện chuyển đổi cơ bản đáp ứng yêu cầu về tổ chức bộ máy quản lý HTX theo đúng quy định, các HTX đều xây dựng lại Điều lệ, quy định rõ quyền và nhiệm vụ của thành viên trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hợp đồng, phân phối thu nhập, xác định lại giá trị vốn góp, huy động góp vốn bổ sung, tổ chức lại hoạt động các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ bảo đảm phục vụ thành viên...Nhờ đó, bước đầu nhiều HTX hoạt động có hiệu quả. Chỉ tính trong năm 2015 doanh thu bình quân đạt trên 1,71 tỷ đồng/HTX, tăng 1,9 lần so với năm 2011, tốc độ tăng bình quân hàng năm 17,4%; lợi nhuận bình quân 140 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 27 triệu đồng/năm, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2011.
HTX Kinh doanh Dịch vụ Tổng hợp Gò Đền đầu tư ứng trước vật tư nông nghiệp cho xã viên sản xuất. Ảnh: Văn Miên
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, các HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng đang phải vượt qua rất nhiều khó khăn nội tại như tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật nghèo nàn, trình độ lạc hậu. Trong khi không ít HTX tiếng là mới nhưng một số hoạt động thực chất vẫn là cũ nên không thuyết phục được người dân gắn bó với đồng ruộng, với HTX. Mặt khác, do kỹ năng trong tổ chức điều hành hoạt động của cán bộ quản lý HTX còn yếu như chưa chủ động, tích cực nghiên cứu thị trường và nhu cầu của xã hội trong lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, mở rộng ngành nghề và thị trường tiêu thụ sản phẩm; các biện pháp trong tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu khoa học và chưa có tính lâu dài. Thêm vào đó, nhận thức về bản chất HTX kiểu mới và các điều kiện để tổ chức sản xuất kinh doanh của đội ngũ quản lý HTX và đặc biệt là giám đốc của một số HTX chưa đầy đủ, dẫn đến thiếu sự chủ động trong quản lý điều hành, chưa khai thác có hiệu quả các nguồn nội lực để vươn lên. Đó là chưa nói đến trong quá trình quản lý điều hành có trường hợp chưa tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc hoạt động cũng như các quy định của Nhà nước về chế độ quản lý HTX, nhất là trong lĩnh vực tài chính, kế toán. Các chính sách của Nhà nước đối với HTX tương đối nhiều, song việc triển khai áp dụng vào thực tiễn hoạt động HTX còn hạn chế...
Khác với mô hình HTX kiểu cũ, HTX kiểu mới hoạt động nhằm mục đích tập trung mang lại lợi ích cho thành viên thông qua việc cam kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm theo nhu cầu của thành viên. Để đạt mục đích đó, HTX tự chủ trong hoạt động, có quyền được cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho cả đối tượng không phải là thành viên. Và như vậy, HTX kiểu mới được xem như một cuộc cách mạng mới tạo đà cho các HTX bứt phá đi lên. Cho nên, để tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”, một trong những yêu cầu cốt yếu là người đứng đầu các HTX phải là người “có lửa”, có trình độ nhất định trong việc hoạch định đường đi, nước bước cho tập thể nhằm mang lại lợi ích cho thành viên thông qua đáp ứng nhu cầu chung của thành viên về kinh tế, xã hội và văn hóa...: “Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh phải có hợp tác xã”, như lời dạy của Bác Hồ cách đây gần 80 năm vẫn giữ nguyên tính thời sự trong giai đoạn hiện nay.
T.D