Vấn đề hôm nay:

Giải toả nỗi lo an toàn thực phẩm, bao giờ?

(NTO) Gần đây báo chí lại thông tin khá “dày” về nỗi lo mất an toàn thực phẩm (ATTP). Nào là cá chết do Formosa gây ra “thảm hoạ môi trường” lẽ ra phải xử lý tiêu huỷ thì “được” một số doanh nghiệp “tích trữ” trong kho lạnh rồi đưa ra thị trường tiêu thụ dần và hậu quả là gây nên ngộ độc thực phẩm nếu sử dụng; nào là thịt heo được “phù phép” thành thịt bò, thịt rừng,… và tiêu thụ mạnh ở các quán nhậu hay thịt dê đã thối rữa được ngâm tẩm hoá chất trở thành thịt “tươi” bán ra thị trường… Không chỉ có thịt, cá mà rau xanh bán tại các chợ cũng bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng; măng khô, dưa chua được ngâm tẩm chất vàng ô (Auramine O) để tạo màu mặc dù chất này được xếp vào danh mục cấm sử dụng trong thực phẩm… Người dân đã ngày càng tỏ ra lo lắng trước thực trạng mất ATTP như đã nêu, thậm chí có người còn bức xúc: không biết phải ăn gì, uống gì cho an toàn!. Có người còn khôi hài cho rằng: biết đâu mà tránh, ăn xong rồi… “chết” dần dần, “chết đúng quy trình”!.

Người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm từ các siêu thị. Ảnh: Sơn Ngọc

Thực ra, thời gian qua các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền để vừa nâng cao ý thức người tiêu dùng trước “thiên la, địa võng” thực phẩm “bẩn”, vừa khuyến cáo các cơ sở sản xuất, tiêu thụ cần tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP, đồng thời nâng cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng- “đối tác” chủ yếu giúp cho người sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế. Thế nhưng xem ra hiệu quả mang lại không đạt được như mong muốn cả từ “hai phía”. Người tiêu dùng tâm lý chung là vẫn chuộng hàng giá rẻ mặc dù luôn được khuyến cáo hãy làm người tiêu dùng “thông thái”!. Cho nên ngay cả phân biệt thịt heo giả làm thịt bò cũng không biết, thậm chí đối với “hàng giả” này giá bán chỉ bằng hơn một nửa so với “hàng thật” nhưng không mấy nghi ngờ!. Chuyện người chăn nuôi dùng các chất cấm để “đẩy nhanh” tăng trọng là thường xuyên dù rằng có ký cam kết với cơ quan chức năng là không sử dụng. Quả thật, các chất cấm này đã được cơ sở sản xuất trộn lẫn trong thức ăn nên người nuôi “vô tư” sử dụng. Nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm trong tỉnh vừa qua đã bị xử lý phần lớn là vi phạm các quy định về sử dụng chất phụ gia trong quá trình chế biến nhưng lại không rõ nguồn gốc. Hay người bán thực phẩm rau, thịt cá… dù rằng biết không sạch, không an toàn nhưng vẫn bán vì “rủi ro”… không ảnh hưởng đến mình!...

Có thể nói, chính chế tài xử phạt còn nhẹ nên không đủ sức răn đe, mặc khác do quản lý không chặt chẽ ngay từ cơ sở sản xuất nên do hám lợi mà nhiều người đã mang “cái chết mòn” gieo rắc cho người tiêu dùng. Mới đây khi tiếp xúc với cử tri TP.Hồ Chí Minh, trước bức xúc không thể kiềm chế của cử tri về ATTP, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng: Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là an toàn xã hội, ảnh hưởng đến việc người dân có an cư, lạc nghiệp hay không. Đây cũng là một trong những bộ phận cấu thành của an ninh quốc gia nên không thể xem nhẹ được. Chủ tịch nước cho biết sắp tới sẽ đề xuất bổ sung các quy định pháp luật theo hướng tăng xử lý hình sự với những vi phạm trong lĩnh vực này. “Chúng ta không hình sự hóa nhưng phải tùy theo mức độ vi phạm để có biện pháp xử lý đủ sức răn đe, phòng ngừa và đề cao trách nhiệm của chính quyền. Như thế mới xử lý được những kẻ vô lương tâm, hám tiền, thiếu trách nhiệm xã hội vẫn sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm”- Chủ tịch nước nói.

Nếu các cơ quan chức năng và mọi người dân cùng “đồng khởi”, quyết liệt vào cuộc tất yếu sẽ đẩy lùi thực trạng mất ATTP như hiện nay, giảm mối lo về an toàn sức khỏe cho người dân...