(NTO) Có thể nói, từ đầu năm đến nay tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh có phần được “vãn hồi”, cụ thể là TNGT đã được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí. Chỉ tính trong 6 tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 172 vụ, làm chết 39 người, bị thương 210 người và thiệt hại tài sản khoảng 614,7 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ giảm 3,37%, số người chết giảm 13,33%...Tuy chưa thực sự giảm sâu nhưng kết quả đã nêu là sự nổ lực của các ngành và địa phương, trong đó có vai trò đóng góp quan trọng của lực lượng CSGT toàn tỉnh. Theo thống kê, lực lượng CSGT đã tổ chức 3.553 ca, có 14.979 lượt CBCS tham gia tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường, đã phát hiện lập biên bản 7.474 trường hợp vi phạm (ô tô 2.931, mô tô 4.427, phương tiện khác 116); đã thực hiện xử phạt vi phạm hành chính: 7.207 trường hợp (ô tô 3.095, mô tô 4.034, phương tiện khác 78), thu nộp ngân sách trên 7,082 tỷ đồng. Ngoài ra còn xử phạt 2.229 trường hợp người ngồi trên mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm…
Lực lượng CSGT Công an Tp. Phan Rang-Tháp Chàm tuần tra tại các tuyến đường thường xảy ra TNGT. Ảnh: Anh Tuấn
Theo đánh giá chung, mặc dù TNGT có giảm nhưng tình hình trật tự (TT) ATGT trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên tuyến Quốc lộ 1A, TNGT tăng so với năm trước. Nguyên nhân cơ bản vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông kém, thiếu tự giác khi tham gia giao thông, vi phạm quy tắc giao thông, tập trung ở đối tượng thanh niên, thiếu niên. Tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, gắn máy tham gia giao thông ở khu vực nông thôn; sử dụng rượu, bia quá nồng độ nhưng vẫn điều khiển phương tiện; điều khiển mô tô, xe máy chạy quá tốc độ, lấn chiếm phần đường, làn đường; chở người vượt quá quy định; thiếu chú ý quan sát khi qua đường, đi ngược chiều; không có GPLX… còn phổ biến, nhất là vào ban đêm và trên các đoạn đường xa khu vực đông dân cư, vùng miền núi, vùng nông thôn. Tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để buôn bán, đỗ xe trái phép cũng diễn ra khá phổ biến, nguy cơ xảy ra TNGT, gây cản trở và khó khăn nhiều đến hoạt động lưu thông và làm mất mỹ quan đô thị. Mặt khác, công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm chưa được khép kín, có thời điểm không tập trung, chưa sử dụng triệt để các biện pháp nghiệp vụ vào lĩnh vực này. Ngoài ra, còn nguyên nhân khác đó là hệ thống biển báo trên tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27 chưa được lắp đặt đầy đủ nhất là tại những điểm mở dải phân cách giữa. Đặc biệt trên tuyến Quốc lộ 1A, do dải phân cách có đoạn quá dài (từ 2-3km) người dân tự ý tháo mở dải phân cách, tấm chống loá… để qua đường và điều khiển phương tiện đi ngược chiều, đây là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT trên Quốc lộ 1A...
Để tiếp tục phấn đấu kéo giảm TNGT từ 5-10% cả 3 tiêu chí, từ nay đến cuối năm yêu cầu đặt ra là các ngành, địa phương cần thực hiện có hiệu quả chủ đề Năm an toàn giao thông 2016 “Xây dựng văn hoá giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “tính mạng con người là trên hết”. Theo đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT với nhiều hình thức phù hợp, nội dung tuyên truyền tập trung cảnh báo các nguy cơ, hậu quả TNGT và các biện pháp phòng tránh để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao, cần quan tâm đến đối tượng tuyên truyền tập trung vào lực lượng thanh thiếu niên, khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…
Tại Công điện số 1095/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24-6-2016, bên cạnh những nội dung quan trọng và các biện pháp cấp bách cần triển khai nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm ATGT quý III và 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm quy định thực thi công vụ hoặc tai nạn giao thông trên địa bàn phụ trách. Thiết nghĩ, nếu quyết liệt trong thực hiện như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tin rằng TNGT sẽ kéo giảm “sâu” trên địa bàn tỉnh.
H.H