Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra trong 6 tháng đầu năm nay tập trung chủ yếu ở 3 ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT tại 4.536 cơ sở thì đã có đến 782 cơ sở vi phạm. Kết quả đã xử lý 31 cơ sở với số tiền trên 421,65 triệu đồng. Kiểm tra nhiều nhất phải kể đến ngành Y tế. Trong 6 tháng qua , ngành đã tổ chức 148 đoàn thanh tra, kiểm tra trong các đợt cao điểm, đã kiểm tra tại 4.305 cơ sở, theo đó có 3.540 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm 82,2%), phát hiện 765 cơ sở vi phạm (chiếm 17,8%). Trong số này có 745 cơ sở nhắc nhở, 20 cơ sở bị xử lý phạt tiền trên 344,1 triệu đồng, chủ yếu là tuyến tỉnh phạt tiền 12 cơ sở với số tiền phạt trên 337,2 triệu đồng.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại Siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc
Qua phân tích cho thấy tại 745 cơ sở vi phạm chỉ nhắc nhở do vệ sinh khu vực chế biến chưa đảm bảo ATTP, không đeo tạp dề, găng tay trong quá trình chế biến thực phẩm tại các cơ sở có quy mô nhỏ, hộ gia đình; thực phẩm đã hết hạn sử dụng, không có nguồn gốc rõ ràng với số lượng ít tại các hộ kinh doanh thực phẩm và kinh doanh thức ăn đường phố... Điều đáng nói là trong số các cơ sở vi phạm phải xử phạt “nặng” như Công ty TNHH Thực phẩm Nam Nguyên Ninh Thuận bị phạt 134 triệu đồng do có 5 lỗi vi phạm như: Sản xuất 4 loại sản phẩm đồ uống không cồn gồm: nước mủ trôm Fonat, nước rong biển Fonat, nước ép nho Fonat và nước ép dâu Fonat không có Giấy tiếp nhận công bố hợp quy; Sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm; Buôn bán 10 loại nguyên liệu, phụ gia thực phẩm như Mật nho, Hương dâu, Hương nho và một số hóa chất khác… nhưng không có giấy tiếp nhận công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP. Hay như cơ sở sản xuất cải chua Đỗ Thị Bạch Yến bị phạt 30 triệu đồng, vì sử dụng hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng (cải chua có vàng ô). Cơ sở chế biến chả cá Dương Thị Lào bị phạt 35 triệu đồng vì sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng (chả cá có hàn the). Cơ sở sản xuất, kinh doanh măng Bà Võ Thị Kim Oanh bị phạt 45 triệu đồng, vì sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm Natri sunfit không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong sản xuất, chế biến thực phẩm…Thực tế này đã thêm một lần cảnh báo về thực phẩm “bẩn” bởi sự “thờ ơ” của những cơ sở xản xuất chỉ chạy theo lợi nhuận, bất chấp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trước thực trạng đã nêu, ngày 7-7 vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị “Về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP”. Theo đó, giao trách nhiệm cho Sở y tế - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành ATTP- xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP để quản lý hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các nhóm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với các ngành hàng thuộc phạm vi quản lý; chú trọng thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, nhất là tại các khu công nghiệp, khu du lịch, lễ hội, sự kiện lớn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Công khai các cơ sở vi phạm và kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP. Mặt khác, giám sát chặt chẽ tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, kịp thời cảnh báo và xử lý nhanh, có hiệu quả các sự cố mất ATTP; củng cố và kiện toàn hệ thống báo cáo ngộ độc thực phẩm; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế kịp thời theo quy định…
Để Chỉ thị nói trên phát huy hiệu lực, hiệu quả nhanh chóng, vấn đề đặt ra là các cấp, ngành liên quan cần sớm cụ thể hóa bằng hành động quyết liệt với quyết tâm cao nhất…
T.D