Run tay thắp nén nhang trầm
Gửi đi một chút lặng thầm niềm đau
Mẹ anh giờ bạc mái đầu
Hằng đêm nhang khói nguyện cầu cho anh
Bạn bè khuất bóng chiến tranh
Người vào cõi lão, người thành dáng mây
Anh xa hun hút tháng ngày
Gửi mình trong đất, trong cây nơi nào?
Cái còn nhiều nhặn gì đâu
Chút hương vương lại phía sau đời người
Nhang trầm thơm thoảng tiếng ơi
Gọi nhau để nhớ… Cuộc đời còn nhau.
Quang Chuyền
Bài thơ lục bát có 12 câu chia thành 6 cặp lục bát. Nếu ba cặp đầu mang màu sắc tự sự, những người thường xuyên nhang khói cho các anh là những bà mẹ, những đồng đội của những chiến sĩ hy sinh trong chiến tranh để đất nước độc lập, thống nhất, thì ba cặp lục bát tiếp theo đi vào luận đề về người đã khuất của những người còn sống.
Bài thơ chứa đựng nỗi niềm sâu lắng từ đầu chí cuối “Run tay thắp nén nhang trầm”… Chữ “run” thật đắt giá, bởi nó không chỉ là sự xúc động của những người mẹ, những đồng đội với các chiến sĩ đã hy sinh, mà chữ “run” ở đây còn biểu hiện tuổi tác. Với người mẹ thì dĩ nhiên đã già, còn đối với đồng đội thì cũng đã “vào cõi lão” hoặc “người thành dáng mây”… thì sức khỏe đâu còn, vì thế run tay, run chân cũng là chuyện thường tình, nhưng quả là có cái gì đó thật sự nhói đau trong lòng mỗi người khi nghĩ về những cuộc chiến bắt buộc để bảo vệ bờ cõi đất nước.
Nói về thơ lục bát của Nhà thơ Quang Chuyền, tôi tâm đắc với nhận xét của Nhà thơ Văn Lê: “Thơ lục bát xâm nhập tâm hồn ông một cách bất chợt, rỉ rả, lặng lẽ… ông ngụp lặn, nổi chìm với thể thơ này, tạo thành một dòng chảy chủ đạo trong sáng tác nghệ thuật thơ ca của ông…”.
Quả là ai đó đã nói thật sâu sắc “Nhân tình luyện đạt, ấy văn chương”. Nhà thơ Quang Chuyền đã được luyện đạt từ chính nhân tình nên thơ ông luôn thấm đẫm nhân tình. Trong khói nhang bay, ông còn nhận ra âm thanh khiến người đọc không thể không xúc động:
Nhang trầm thơm thoảng tiếng ơi
Gọi nhau để nhớ… Cuộc đời còn nhau.
Trần Duy Lý