(NTO) Vào đầu tháng 7 vừa qua, tại khu vực sông Dinh thuộc địa bàn thôn Phước Lợi (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 3 trẻ em cùng thôn nói trên tử vong. Có thể nói, từ vụ việc này như thêm một lời cảnh báo về tình trạng trẻ em rong chơi tắm sông, suối nhưng không nhận thức được rằng hiểm họa có thể đến bất kỳ lúc nào, trong khi đó người lớn lại thiếu quan tâm, để mặc cho con em “tự do” nhất là trong dịp hè…Chỉ tính riêng trong năm 2015 vừa qua toàn tỉnh đã xảy ra17 trường hợp chết do đuối nước mà ngành chức năng thống kê được…
Nguy hiểm cho trẻ em khi tắm sông, suối. Ảnh: Văn Miên
Có thể nói những năm qua không ít gia đình trong tỉnh vẫn còn xem nhẹ việc quan tâm chăm sóc đến con cái nhất là ở vùng nông thôn. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại.
Chỉ một vài giây lơi lỏng của người lớn là hậu quả xảy ra…
Đây cũng chính là mối hiểm họa tiềm tàng gây tai nạn đuối nước ở trẻ em. Theo tìm hiểu về thực trạng trên cho thấy đa phần đều tập trung vào công việc mưu sinh, sản xuất nông nghiệp, có khi đi từ sáng sớm đến tối muộn mới về. Do vậy, con cái nhất là trẻ em giao đứa lớn chăm đứa bé từ sinh hoạt đến vui chơi. Cho nên việc các em lân la, tắm sông, suối thậm chí là các ao nước đọng quanh nhà, trong thôn xóm là… bình thường. Ngay như trường hợp 3 em bị đuối nước tử vong như đã nói trên, theo phản ảnh của người dân là nhà gần sông Dinh, trong 5 em chơi với nhau thì có 3 em tắm sông nên bị hụt chân đuối nước, đến khi phát hiện thì đã muộn.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, so với các nước phát triển thì tỷ lệ chết đuối nước ở trẻ em nước ta cao gấp chục lần. Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển. Hơn nữa, tỷ lệ tai nạn này ở trẻ em rất cao, chiếm 22,6%, trong đó, trẻ dưới 15 tuổi là 70%, chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%. Cũng theo các khảo sát, tỷ lệ trẻ em đuối nước có trên 80 % do không biết bơi lại thường chơi đùa gần khu vực ao, hồ, sông... thiếu rào chắn an toàn, gần 42% trẻ tử vong do không được trang bị áo phao và thiết bị cứu hộ khi đi trên các phương tiện đường thủy. Vì vậy, để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất là dạy trẻ biết bơi. Tuy nhiên, hiện nay việc dạy bơi ở trẻ chỉ mới dừng lại ở mức độ tự phát, trẻ học bơi từ cha mẹ, anh chị em hoặc bạn bè khi xuống sông, ao tắm. Bên cạnh đó tình trạng thiếu bể bơi, thiếu những kỹ thuật bơi căn bản nên khi gặp những trường hợp bất ngờ, nguy hiểm trẻ thường lúng túng, không biết xử lý dẫn đến tình trạng tử vong…
Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do đuối nước, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong cộng đồng. Đặc biệt, trong mùa hè các bậc phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng bảo vệ con em. Bên cạnh đó, địa phương cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các quy định về an toàn phòng, chống đuối nước tại cộng đồng…
HH