Một khúc Sông Dinh. Ảnh: Sơn Ngọc
Đến với bài thơ “Sông Dinh” của Thái Sơn Ngọc, độc giả được chiêm ngưỡng bức tranh nhiều màu sắc về thành phố Phan Rang-Tháp Chàm nắng gió mà đầy thơ mộng. Bài thơ vừa chân thực, vừa lãng mạn, dẫn dắt người đọc khám phá những nét quen thuộc và mới lạ về con sông và thành phố thân yêu của mình.
Viết về sông Dinh có nhiều bài thơ, nhiều đoản bút, truyện ngắn, thế nhưng khi Thái Sơn Ngọc viết về sông Dinh, người đọc vẫn có những bất ngờ thú vị. Bài thơ chỉ có hai khổ ngắn, lại được viết bằng thể thơ lục bát, vì thế nó nhẹ nhàng, thanh thoát, làm cho cái nắng gắt của Phan Rang như được vơi đi trong những ngày hè oi ả.
“Sông Dinh tựa dải lụa mềm
Giữa lòng đô thị êm đềm Phan Rang”
Quả thật sông Dinh giống như một dải lụa mềm mại uốn quanh thành phố đang được dựng xây ngày một hoành tráng, làm cho đô thị Phan Rang có nét uyển chuyển, mềm mại hơn. Đặc biệt, dải lụa ấy còn giải nhiệt cái nắng oi ả quanh năm của thành phố được mệnh danh là xứ sở nắng nóng nhất của cả nước. Sông Dinh vừa tạo nên vẻ đẹp mềm mại, vừa như lá phổi để thành phố xanh, đẹp hơn.
“Chiều nghiêng bến vắng nắng vàng
Hoa cau rụng trắng bên hàng trầu xanh”
Thật là bức tranh nhiều màu sắc, có nắng vàng, có hoa cau trắng, có hàng trầu xanh. Những sắc màu hài hòa tạo nên một miền quê yên tĩnh bên cạnh sự náo nhiệt của thành phố mới. Chính những màu sắc này đã tạo nên vẻ mềm mại, yên ả cho những làng ven sông. Người đọc tưởng tác giả đang bị chìm trong mơ mộng, nhưng không, đó là những cảnh rất thật của những làng quê bên bờ sông Dinh. Viết về bến sông, người ta thường liên tưởng đến những con đò nằm mơ mộng đợi khách. Nhưng bến sông của nhà thơ chỉ có nắng vàng đang nghiêng xuống bến. Thật đấy, mà sao vẫn cứ thấy mơ mộng. Sắc nắng vàng như luôn luôn nằm trong tiềm thức của người dân Phan Rang thì làm sao thiếu được trên bến sông của Thái Sơn Ngọc. Nó cũng là nét đặc trưng rất Phan Rang, rất sông Dinh.
“Về chơi em nhé, quê anh
Mùa nho chín đỏ để dành tặng nhau”
Bến sông thường là nơi hò hẹn và bến sông Dinh cũng có sự hẹn hò, nhưng sự hẹn hò ở đây là mời người con gái về quê mình chơi để thăm sông Dinh, đặc biệt là thăm vườn nho chín đỏ, món quà chỉ có ở miền quê Ninh Thuận. Cảnh ở đây rất thật và mơ mộng. Buổi chiều nắng oi ả được đứng trong vườn nho tắm gió mát sông Dinh, được nhìn và thưởng thức những trái nho chín đỏ sao mà không mơ mộng được.
“Bây giờ cho tới xưa sau
Sông Dinh con nước ngọt ngào phù sa”
Lại thêm một lần nữa tác giả nhắc về lợi ích của sông Dinh. Mãi mai sau, sông Dinh vẫn như người mẹ mang nguồn sữa nuôi dưỡng cho cây trái Phan Rang. Nhưng điều quan trọng hơn, con nước ngọt ngào của sông Dinh không chỉ có phù sa tưới mát cây trồng, mà còn mãi là lá phổi của thành phố xinh đẹp, để thành phố mình dù đô thị hóa đến đâu vẫn giữ được sự cân bằng sinh thái. Và “xưa sau” là cách dùng từ khá lạ của tác giả. Thông thường người ta hay dùng từ “xưa” để nói về thời đã qua, thuộc về quá khứ. Thế nhưng Thái Sơn Ngọc lại dùng từ “xưa” kèm với từ “sau” nên nó lại thuộc thì tương lai rồi. Đó có thể là khoảng thời gian vài thập niên, vài thế kỷ hoặc hàng ngàn năm sau. Cái khoảng thời gian vô định của tương lai này như thông điệp tác giả muốn nói: Sông Dinh không chỉ hôm nay, mà mãi về sau vẫn là tấm lụa mềm, vẫn là “con nước ngọt ngào phù sa”, vì thế các nhà hoạch định, các nhà quy hoạch phải biết khai thác, biết quy hoạch để phục vụ lợi ích con người.
Bài thơ nhẹ nhàng mà đã chuyển tải được nhiều điều bổ ích đến với người đọc. Đi trên sông Dinh ngâm khẽ bài thơ như trải nghiệm cuộc sống, hưởng làn gió mát mà thiên nhiên ban tặng, càng thấy yêu hơn cái mảnh đất mà ta gắn bó. Những sự kỳ diệu của tương lai như phác thảo trước mắt: Một thành phố xinh đẹp, tráng lệ hiện lên bên hai bờ sông Dinh.
Hữu Lợi