CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Liệu có còn cỏ cho... voi?

(NTO) Tôi có ông bạn “hơi bị” già, mới trên bảy mươi mà đi đứng lom khom, cứ như ông lão chín mươi, trông tội nghiệp ghê gớm. Cách đây mấy mươi năm, khi bạn tôi mới ngoài tuổi bốn mươi một tí mà đã “con đàn cháu đống”, lũ khũ đến phát khiếp!

Ngay thời điểm ấy mà ông đã có tới chín người con, cứ sòn sọt “chui ra” năm-một, có lúc vừa gả chồng cho con gái đầu vài ngày thì chị vợ lại tiếp tục… sản xuất một “thằng cu”. Nhìn chị vợ gầy guộc, khẳng khiu, rất… chịu khó đẻ, mới thấy thật đáng thương. Hiện tại cái “đại gia đình” ấy gồm 15 người con, “hình như” trên 50 cháu nội, ngoại (ấy là ông bạn chỉ nhớ mang máng như thế chứ…chưa chắc chắn về số lượng con cháu). Về ngôi thứ các con, nghe ông gọi: Mười Út, rồi Út Anh, Út Em, Mười thừa, Mười Dư, Út Cặn, Út Cọt… mà cười hổng nổi!

Ờ, mà nhà ông bạn ấy đâu phải ở vùng sâu, vùng xa hay vùng biên giới, hải đảo gì cho cam, để mà có lý do đổ thừa cho công tác tuyên truyền, vận động kế hoạch hoá gia đình chưa… tới nơi tới chốn và điều đó làm cho ông bạn cũng “mù tịt”, không biết được... cái cách gì để mà… hạn chế đẻ, bớt... đẻ nhiều, đẻ dầy. Đằng này, lão ta là người “đàn ông đích thực”, kinh tế thuộc dạng đủ sống, nhà ngay mặt đường chính của phố huyện, quanh năm suốt tháng đâu nghe thấy ai phổ biến, giáo dục để mà hạn chế “cái sự sung sướng” của lão “trên từng cây số”, cho nên chị vợ cứ vô tư…đẻ, mà không gặp phải sự trở ngại nào. Cuộc sống cứ thế bình thản trôi và cho đến lúc vì rất nhiều lý do tác động, kinh tế gia đình ông bạn gặp phải khó khăn, không thể cứu vãn tình thế, buộc lòng ông phải đưa cả gia đình về quê cũ. Với vài ngàn mét vuông đất đồi màu mỡ, cộng với sức vóc “vai u thịt bắp” của đám con cháu, lao động hùng hục trên cánh đồng từ sáng tinh mơ cho đến chiều tối vẫn không làm thoả mãn vài chục "cái tàu há mồm" lúc nào cũng trông chờ vào bữa ăn. Rõ chán!

Tôi cũng có một người bạn khác, người này suy nghĩ thực tế hơn. Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, vợ chồng bạn quyết định chỉ sinh 2 con. Với khả năng lao động tích cực của hai bạn trẻ, thì thu nhập định kỳ sẽ trang trải cho gia đình 4 người thoải mái hơn nếu phải chi phí cho 6-7 người hoặc đông hơn nữa. Chất lượng cuộc sống từ đó nâng lên, thu nhập ổn định sẽ tích luỹ cho những lúc khó khăn sau này. Cha mẹ sẽ dành nhiều thời gian để đầu tư, chăm sóc dạy dỗ cho các con và con trẻ chắc chắn có đầy đủ điều kiện thể lực, trí lực để làm chủ cuộc sống của mình mai sau. Nếu như ta cứ… ham vui, gia đình lỡ… đông con, thì mỗi đứa con không chỉ được hưởng thụ ít hơn những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, mà (có khi) còn phải lao động nhiều hơn may ra mới đủ ăn, đủ mặc, học hành. Rồi từ đó, sự vất vả, thiếu thốn trong cuộc sống sẽ làm cho người lớn nhanh già yếu, buông tay và con trẻ chịu nhiều thiệt thòi hơn, môi trường sống ít được quan tâm hơn!

Chiều nay, tình cờ, tôi và 2 người bạn gặp nhau trong giờ giải lao của hội nghị “Để có một nền sản xuất nông nghiệp bền vững”. Ông bạn “chỉ có 2 con” là nhà khoa học, còn ông “mười mấy đứa con” vẫn miệt mài, tất bật cố gắng giữ vững danh hiệu “nông dân sản xuất và kinh doanh giỏi” để mà có điều kiện ổn định cuộc sống cho “con đàn cháu đống”. Ông “nhiều con” than thở: Đất đai không đủ để mở rộng diện tích đồng cỏ cho phát triển chăn nuôi gia súc, chán thật… Nhà khoa học buột miệng: Quả là như vậy đó bác, chỉ có con người sinh… sôi, chứ đất thì không bao giờ sinh... thêm, không những thế, đất màu mỡ để phát triển nông nghiệp còn giảm đi nhanh chóng do điều kiện, môi trường sống của con người ngày càng làm nguồn tài nguyên cạn kiệt...Cho nên, “bác” nông dân đừng có mà tơ tưởng, tôn trọng cái quan niệm hết sức…mơ hồ của thời xa vắng “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” nhé. Trái đất này sẽ không bao giờ còn…c hỗ trống để trồng cỏ nuôi đàn…“voi hai chân” của nhà bác đâu. Hãy liệu cơm mà… gắp mắm cho phù hợp cuộc sống bác ạ!