Mùa xuân cánh đồng cũng là mùa xuân của mẹ, những người mẹ quê luôn tần tảo, cần cù xem cây lúa lớn lên từng ngày mà vui. Ở đó có mùi thơm của quê hương xứ sở, của giọt mồ hôi, của chân lấm tay bùn. Mùi thơm ấy là sự kết hợp hoàn hảo giữa thiên thời - địa lợi - nhân hoà. Có vị ngai ngái của đất, của trời lẫn vị xon xót của gian lao, tần tảo và vị ngọt đắng của mưa nắng, bùn bẩn, phù sa. Cái mùi hương ấy đã làm nở căng bao bầu ngực trẻ, làm thơm ngát bao điệu ví câu hò…Để rồi thế hệ này tiếp nối thế hệ kia giữ nguyên và làm giàu thêm quê cha đất tổ.
Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời chỉ để đổi lấy miếng cơm manh áo, người dân quê tôi luôn coi cây lúa là cứu cánh của đời mình. Lúa vui họ vui, lúa buồn họ buồn. Lúa vui lúa rì rào tung tăng theo gió, lúa buồn lúa ủ rũ, héo hon. Lúa vui vì mưa hoà gió thuận, lúa buồn vì hạn hán, bão bùng.
Đất quê, cây lúa là cư dân đặc biệt. Có cả tiếng cười hay nước mắt trong từng bó rơm, dảnh mạ nên người quê chẳng phung phí chúng bao giờ. Hạt lúa là hạt ngọc, hạt cơm để cho người ăn, rơm cho trâu bò, bếp núc; rạ để làm giàu lại đất và cây lúa lại xanh đồng. Đời người gắn vào đời cây mà đơm hoa kết trái, mà nên cửa nên nhà.
Hẳn rất nhiều người từng đi trong hương lúa nhưng ít ai nghĩ rằng lúa cũng có hoa. Hoa lúa bé tẹo, màu vàng xanh nép mình bên gié lúa cũng màu vàng xanh nên thờ ơ chẳng làm sao thấy. “ Đẹp xinh nào có mà chi, lúa ngàn năm vẫn xanh rì thế thôi ” cũng là cách để người quê trải lòng ra với cuộc đời. An phận, cần cù, chịu thương chịu khó đâu phải ai cũng làm được, đâu phải ai cũng sát cánh kề vai.
Giờ thì người dân quê đã không còn vất vả như trước, máy móc dần thay họ cày cuốc, gặt hái, ươm gieo…
Bỗng nhớ thương về một thời chưa xa phải cấy đêm, gặt tối mà ngưỡng mộ làm sao sự hy sinh vất vả của người dân quê mình. Mãi nhắc nhớ phải yêu lúa, yêu quê đến sức cùng lực kiệt bởi đó là máu, là thịt mà giống nòi đã hun đúc nên mỗi chúng ta.
Lý Thị Minh Châu