CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Tui đã "bỏ"" cho ổng rồi !

(NTO) Nhóm bạn “già không đều” có buổi trà đàm dưới gốc xoài cát Hoà Lộc góc sân nhà Hai “lúa”. Thời gian qua vì mải đầu tư, lo toan công việc đồng áng nên lâu lắm rồi, nhóm bạn mới có dịp ngồi lại với nhau, thư thả ngày cuối tuần…

Hớp ngụm trà mạn Thái Nguyên toả hương thơm ngát do chủ nhà “sưu tầm” tận miền Bắc, Bảy nhỏ e hèm: Chà, mới đó mà đã 5 năm rồi. Nhanh thật. Nhớ lại ngày bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2011, cũng đúng vào Chủ nhật, ngày 22 tháng 5 các ông à. Hay thật, một sự trùng hợp thật ngẫu nhiên nhỉ…!

Năm “Đầu láng” vuốt mái tóc rễ tre, có lẽ không bao giờ… chải, tham gia: Đúng thật đấy, ngỡ như mới ngày hôm qua! Đợt đó, bà cụ nhà mình đã 82 tuổi rồi, đi đứng còn khỏe khoắn, có điều là mắt mũi thì “kèm nhèm” tí chút. Cụ lại một mực đòi tự mình đi bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân của mình mà không cần nhờ con cháu đi thay. Thời gian trước đó, cụ cũng đã tự mình đi tham dự buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu để nghe họ công bố chương trình hành động của mình. Ngày bầu cử đến, cụ đi rất sớm, vừa đi, cụ vừa lẩm bẩm tên các vị đại biểu mà mình… chọn và sẽ bầu cho họ. Vào phòng phiếu, cụ nói với cháu “gạch giúp”: Bà “bỏ” ông A… Cháu nó đưa viết gạch thẳng một nét chồng lên tên ông A. Bà “bỏ” ông B, nó gạch thẳng lên tên ông B… Xong, bà đã thực hiện tốt trách nhiệm công dân của mình. Bà hớn hở ra về và kể lại quá trình bỏ phiếu, cả nhà mới thất kinh hồn vía: Cái cách, cái từ gọi là “bỏ” của các cụ có nghĩa là “lấy”, là “chọn”, là “để lại tên” trong lá phiếu, là… nhất trí bầu cho vị đại biểu đó, chứ không phải “bỏ” là gạch bỏ, là không chọn… Thôi thì đã lỡ xảy ra “sự cố” như vậy rồi, bà cụ nhà mình đành phải âm thầm “rút kinh nghiệm” cho lần sau khỏi phạm phải, chớ biết sao bây giờ!

Nãy giờ, mải mê ngắm chùm xoài trĩu quả, Tư “Đầu bạc” tỏ vẻ thích thú, hào hứng khi bàn trà hôm nay tự nhiên lại rơi vào chủ đề bầu cử: Bà xã mình nói, mấy ngày nay, tại cổng chợ làng, gia đình của thằng H, công tác tại xã, vận động các bà, các chị đi chợ, ủng hộ cho em nó lá phiếu để bầu vào Hội đồng nhân dân kỳ này, để cháu nó nở mày, nở mặt với bà con làng xã, cho bằng chị, bằng em… Hi hi hi, vận động kiểu đó có mà rách việc!

Sáu “Cải lương” vốn im lặng từ đầu buổi, nghe qua bèn “đổ quạu”: “Vào” Hội đồng chắc là lên quan, để mà “nở mày, nở mặt” với chòm xóm, chứ không thấy được trách nhiệm của mình đối với dân, với địa phương là như thế nào? Vận động kiểu này thì nên cho nó biết thế nào là lễ độ nhé các ông bạn! Rồi, thật là lạ từ trước đến giờ, Sáu ta tự nhiên tức cảnh sinh… thơ, như tâm sự với… chính mình: “Chọn bầu đại biểu Hội đồng/Không bầu những vị lòng vòng luồn chui/Những ông quan chỉ nạt người/Chỉ lo tư túi làm nghèo quê hương/Dân không lo, nước không thương/Chỉ ham địa vị, chỉ vương vấn… tiền”!

Chỉ chờ có thế, Tám hò vè tiếp tục lên tiếng “nhắc nhở” các vị đại biểu nhân dân, nếu sau này trúng cử: “Trách nhiệm phải đặt hàng đầu/Vì dân vì nước làm giàu quê hương/Phải gắn bó với địa phương/Nơi mình ứng cử, dân thương dân bầu/Không vì chén rượu miếng trầu/Quên “dân là gốc” ai sầu mặc ai/Nặng nề nhiệm vụ hai vai/Không quỳ gối trước tiền tài lợi danh/Phải uy tín, phải nhiệt tình/Phải vì cuộc sống dân tình ấm no…”!

Chủ nhà Hai lúa thấy sướng quá vì bài thơ “tự biên” của hai ông bạn, vội góp thêm hai câu câu cuối, coi như kết bài thơ lục bát: “Vài dòng tâm sự nhỏ to/Ngày hăm hai đến, phải lo đi bầu”!