Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh Ninh Thuận (Agribank Ninh Thuận) đóng vai trò chủ lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, đơn vị đã triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu đãi như: Cho vay không phải đảm bảo bằng tài sản đối với hộ nông dân, chủ trang trại sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp mang tính sản xuất hàng hóa; hợp tác xã làm dịch vụ cung ứng vật tư, cây, con giống và chính sách khuyến khích phát triển thủy sản.
Ông Đặng Ngọc Ba, Giám đốc Agribank Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, Agribank Ninh Thuận thực hiện đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay đối với hộ nông dân, hộ sản xuất ở khu vực nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Tổ chức triển khai cho vay qua tổ Hội Nông dân, Phụ nữ, kết quả đạt được đến ngày 31-12-2015: Thành lập 744 tổ, với 25.128 thành viên, dư nợ cho vay 1.018 tỷ đồng.
Hiện nay, Agribank Ninh Thuận có mạng lưới phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đã và đang đầu tư một lượng vốn lớn cho tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội trong tỉnh. Tổng dư nợ sau 3 năm đã tăng hơn 2 lần, đến ngày 31-12-2015 đạt 3.558 tỷ đồng, chiếm 30% thị phần tín dụng trên địa bàn. Trong đó, dư nợ đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn là 2.670 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75% với 32.193 khách hàng được vay vốn, tăng gấp 2,72 lần so với năm 2012, chỉ số tăng bình quân 20%/năm.
Vốn tín dụng ngân hàng cũng đã tập trung vào các ngành, nghề có thế mạnh khác như cho vay xây dựng nhà máy xuất khẩu tôm lớn nhất miền Trung (Công ty Thông Thuận), giải quyết việc làm cho gần 2.500 lao động. Đầu tư hoàn thành 4 nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh: Nhà máy Thủy điện Hạ Sông Pha 1 và 2, Thủy điện Sông Ông, Thượng Sông Ông.
Với quyết tâm tiếp tục triển khai hiệu quả Chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ. Hiện tại, Agribank Ninh Thuận là ngân hàng đi đầu trên địa bàn tỉnh thực hiện cho vay theo Nghị định 67 và Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay đã thẩm định và phê duyệt cho vay 8 con tàu có công suất từ 500CV-1.000 CV, số vốn cho vay 71 tỷ đồng đã tiến hành giải ngân số tiền 49 tỷ đồng theo tiến độ hoàn thành các hạng mục. Đã hạ thủy 3 con tàu, dự kiến tháng 3-2016 hạ thủy bàn giao cho ngư dân 8 con tàu khai thác và hậu cần nghề cá.
Từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại, gia trại có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ giới hóa, áp dụng khoa học-kỹ thuật hiện đại, tăng giá trị sản xuất, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng còn thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề truyền thống, góp phần vào sự phân bổ hợp lý hơn lao động nông thôn.
Bên cạnh các hoạt động kinh doanh hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh, những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Agribank Ninh Thuận cũng đã tích cực đẩy mạnh công tác hỗ trợ an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo đối với các khu vực khó khăn. Trong 5 năm qua, ngân hàng đã thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng số tiền trên 10,5 tỷ đồng vào các Quỹ Vì người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, trường học…
Trong thời gian tới, Agribank Ninh Thuận xác định là ngân hàng trụ cột, chủ lực trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục tập trung vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn, nhất là các lĩnh vực nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản...; chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là cho vay đối với nhu cầu nâng cao quá trình cơ giới hóa và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Mai Dũng