Dự kiến cơ cấu, thành phần những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhằm bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong các cơ quan quyền lực Nhà nước

(NTO) Việc dự kiến cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội là trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là trách nhiệm của Thường trực HĐND cấp bầu cử. Đây là chế định quan trọng trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhằm bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội và trong HĐND các cấp.

Phát xuất từ nguyên tắc Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; nhà nước là của dân, do dân và vì dân; do đó, các cơ quan quyền lực nhà nước cần được bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân tham gia.

Căn cứ vào dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội được bầu, sau khi thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN và đại diện các tổ chức chính trị-xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội bao gồm người được giới thiệu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, số lượng người dân tộc thiểu số, số lượng phụ nữ…, trong đó có các cơ cấu kết hợp như đại biểu các tôn giáo, giới doanh nhân, người trẻ tuổi, những đại biểu tái cử… Tương tự như vậy, ở địa phương, Thường trực HĐND có trách nhiệm dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND.

Trên cơ sở dự kiến việc phân bổ số lượng đại biểu được bầu và dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nêu trên, Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Đây là quá trình phát huy dân chủ trong các tầng lớp nhân dân mà MTTQVN là tổ chức đại diện thực hiện việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước theo đúng dự kiến cơ cấu, thành phần nhằm bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội và trong HĐND các cấp.

Tính ưu việt của thể chế chính trị nước ta khi xác định rằng Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Các tầng lớp nhân dân đều có đại biểu của mình trong các cơ quan quyền lực nhà nước đó.

Vì vậy, việc dự kiến phân bổ số lượng đại biểu về cơ cấu, thành phần những người ứng cử để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp là một chế định rất quan trọng trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử nhằm bảo đảm cơ cấu, thành phần và tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp, thể hiện quyền lực của Nhân dân trong các cơ quan quyền lực nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.