Đồng bào Công giáo trong tỉnh "sống tốt đời, đẹp đạo"

(NTO) Toàn tỉnh có trên 70.000 giáo dân, chiếm tỷ lệ 12% dân số. Những năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cần cù, sáng tạo, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh, giàu đẹp.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng cuộc sống theo phương châm “Tốt đời, đẹp đạo” gắn với 10 nội dung thi đua (7 tốt đời, 3 đẹp đạo) do Ủy ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) Việt Nam phát động đã phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thiết thực. Ủy ban ĐKCG tỉnh tích cực vận động giáo dân phát triển kinh tế: Nông nghiệp, ngành nghề tiểu-thủ công nghiệp và thương mại-dịch vụ toàn diện. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư vốn để phát triển dịch vụ, kinh doanh buôn bán lớn, giải quyết công ăn việc làm. Điển hình như ông Nguyễn Sắc, ở xứ đạo Hòn Thiên; ông Lư Trần Anh, ở giáo xứ Gò Đền, làm giàu nhờ nuôi tôm sú và kinh doanh thủy-hải sản, hàng năm thu lợi trên 2 tỷ đồng và giải quyết công ăn việc làm cho trên 20 lao động tại địa phương. Hay như Trại tôm Minh Trung (thôn Khánh Hội, xã Tri Hải, Ninh Hải); bà con giáo dân Quảng Thuận (Ninh Sơn); Dịch vụ điện lạnh Thanh Vương (giáo xứ Phan Rang); Dịch vụ sửa chữa xe Kim Lân (giáo xứ Tấn Tài)... có nhiều hình thức hợp tác giúp nhau phát triển như: Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, cho vay không lấy lãi, thành lập tổ tương hỗ vay vốn ngân hàng cho hàng ngàn hộ, với số dư lên đến hàng tỷ đồng để phát triển sản xuất. Trong các xứ, họ đạo không còn hộ gia đình nào đói và từng bước thu hẹp số hộ nghèo, thực hiện tốt phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”.

Giáo dân Triệu Phong tham gia bê-tông đường giao thông nội thôn.

Kinh tế ổn định và phát triển, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con giáo dân đã tích cực đóng góp xây dựng quê hương. Đến nay, 100% đường làng, ngõ xóm của các xứ đạo, họ đạo được bê-tông hóa, nhà thờ, nhà văn hóa ở các xứ, họ đạo được xây dựng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi để giáo dân phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và sinh hoạt tôn giáo. Đồng bào Công giáo đã thực hiện tốt các quy ước, hương ước làng văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; nhường đất, san sẻ đất sản xuất cho hộ nghèo; tình nguyện hiến đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng trạm y tế, trường học; giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ và đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo hàng tỷ đồng. Nhiều giáo dân ở các xứ đạo đã đóng góp các hoạt động nhân đạo, tiêu biểu như Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề miễn phí của Cộng đoàn nữ tu Đức mẹ phù hộ Tấn Tài với kinh phí xây dựng ban đầu khoảng 11 tỷ đồng, thường xuyên mở các lớp dạy nghề miễn phí, mỗi khóa có khoảng trên dưới 150 học viên theo học, không phân biệt dân tộc, tôn giáo… Các sinh hoạt tôn giáo được tổ chức tiết kiệm, hài hòa, gắn với truyền thống văn hóa của dân tộc. Trung bình hàng năm, toàn tỉnh có từ 85-90% hộ gia đình giáo dân đạt danh hiệu văn hóa.

Linh mục Ngô Mạnh Điệp, Chủ tịch Ủy ban ĐKCG tỉnh, cho biết: Nhìn chung, các chức sắc, nhà tu hành Công giáo ở tỉnh ta hành đạo gắn bó với dân tộc, với nhân dân trong tỉnh. Đồng bào Công giáo ngày càng tin tưởng và hăng hái thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, ngành, địa phương phát động, góp phần vào công cuộc đổi mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.