Qua 5 năm triển khai, từ công tác chỉ đạo điều hành, hoạt động tuyên truyền đến công tác kiểm tra về ATVSLĐ có nhiều chuyển biến mới so với những năm trước. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1650/KH-UBND ngày 11-4-2012 về triển khai Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2012-2015. Công tác tuyên truyền được tiến hành thường xuyên, liên tục, góp phần phổ biến các chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của công tác này trong các cấp, ngành, ý thức tự giác chấp hành của đông đảo tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức tuyên truyền 3.224 băng-rôn, khẩu hiệu, áp-phích, phát 10.933 tờ rơi và 1.117 ấn phẩm tuyên truyền về ATVSLĐ.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý về ATVSLĐ được quan tâm. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành, đặc biệt là Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức mở hơn 100 lớp tập huấn cho 14.865 lượt người, bao gồm cán bộ quản lý, người sử dụng LĐ, người LĐ, cán bộ công đoàn về ATVSLĐ. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ tại các cơ sở có tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong sản xuất, kịp thời chấn chỉnh những sai sót tại các đơn vị. Trong 5 năm, đã thanh tra, kiểm tra tại 280 doanh nghiệp, đã phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính, nộp kho bạc nhà nước trên 100 triệu đồng. Hàng năm, qua tổ chức phát động Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-phòng chống cháy nổ, công tác ATVSLĐ đã có những bước chuyển biến tích cực. Nhận thức của người LĐ và người sử dụng LĐ trong công tác ATVSLĐ được nâng cao. Người sử dụng LĐ đã chú trọng tăng cường cải thiện điều kiện làm việc, trang bị phương tiện, bảo hộ LĐ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường LĐ, ngăn ngừa tai nạn LĐ và bệnh nghề nghiệp; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 14.477 lượt LĐ, thăm hỏi người LĐ lúc ốm đau, tai nạn..., với kinh phí hơn 34 tỷ đồng; việc thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp từng bước được nâng lên, số vụ tai nạn LĐ, đặc biệt là LĐ chết người giảm rõ rệt. So với giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ người bị tai nạn LĐ do lỗi của người LĐ hoặc người sử dụng LĐ giảm 50,1%.
Giai đoạn 2016-2020, thực hiện Chương trình quốc gia về ATVSLĐ, tỉnh ta đề ra mục tiêu giảm thiểu tần suất tai nạn LĐ chết người; 100% người LĐ làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp, 100% người LĐ đã xác nhận bị tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng LĐ; 100% số vụ tai nạn LĐ chết người được khai báo, điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật; 90% người LĐ được trang bị các phương tiện bảo hộ cá nhân thiết yếu…
Đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Để đạt được mục tiêu đề ra, các cấp, ngành cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; đẩy mạnh tuyên truyền, huấn luyện, chủ động đánh giá rủi ro, có biện pháp phòng ngừa ATVSLĐ; tăng cường công tác tự kiểm tra ATVSLĐ tại nơi làm việc của người LĐ; thực hiện nghiêm túc các báo cáo định kỳ công tác ATVSLĐ; từng bước xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp trong CN-LĐ, xây dựng môi trường làm việc thân thiện bảo đảm xanh-sạch-đẹp, thiết thực bảo vệ sức khỏe cho người LĐ, bảo vệ tài sản cho doanh nghiệp, Nhà nước và công dân.
Bình An