Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(NTO) Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định số 1956 /QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện. Thông qua việc học nghề, người dân ở khu vực nông thôn đã có sự thay đổi cơ bản trong tập quán sản xuất, biết lựa chọn loại hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp, mạnh dạn trong việc lựa chọn các giống mới cho năng suất cao đưa vào sản xuất để nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Sau 5 năm triển khai Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã tổ chức trên 700 lớp với 27.049 LĐNT được đào tạo nghề, trong đó có trên 10 ngàn lao động nông thôn thuộc đối tượng ưu tiên là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất canh tác, người tàn tật chiếm tỷ lệ 53,654%. Qua kết quả đạt được sau 5 năm có thể khẳng định Đề án được triển khai đúng hướng và có những tác động tích cực.

 

Trao chứng chỉ tốt nghiệp nghề may công nghiệp lao động nông thôn năm 2015.

Đồng chí Trần Văn trưa, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Trong 5 năm thực hiện Đề án đào taọ nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh đã góp phần thay đổi được nhận thức của người dân. Từ lao động nhỏ lẻ, giờ đây phần lớn người LĐ đã mạnh dạn làm ăn, áp dụng những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, kinh doanh.

Huyện Ninh Phước là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất của tỉnh, trên địa bàn huyện còn có 2 làng nghề truyền thống của người Chăm: Gốm Bàu Trúc và Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Xác định công tác đào tạo nghề cho LĐNT là giải pháp quan trọng để tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu LĐ, vì vậy thời gian qua, huyện Ninh Phước đã đẩy mạnh công tác này và đã đạt được một số kết quả khả quan. Trong 5 năm, huyện đã tổ chức được 50 lớp dạy nghề với 1.953 học viên tham gia. Số LĐ qua đào tạo về nghề nông đã vận dụng vào thực tế sản xuất của hộ gia đình là 1.278 LĐ. Số LĐ được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyển dụng và làm việc tại các làng nghề là 240 LĐ. Đồng chí Phạm Y, Phó chủ tịch UBND huyện nhìn nhận: Công tác đào tạo nghề đã đáp ứng được nhu cầu của LĐNT, chủ yếu là tạo điều kiện cho người LĐNT tiếp cận với khoa học, kỹ thuật trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nâng cao tri thức trong lĩnh vực tin học để tiếp cận, ứng dụng khoa học trong sản xuất, thông tin về giống cây trồng vật nuôi, giá cả và thị trường tiêu thị sản phẩm hàng hóa; phát huy, bảo tồn và giữ gìn các sản phẩm làng nghề của đồng bào dân tộc Chăm, qua đó tự tạo việc làm, tăng thu nhập kinh tế gia đình; nâng cao tay nghề về kỹ thuật xây dựng, may công nghiệp để tạo việc làm trong các khu công nghiệp và lĩnh vực xây dựng công trình, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại nông thôn.

Tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, đã tổ chức 42 lớp dạy nghề với 1.316 học viên tham gia. Các lớp nghề nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi; các nghề phi nông nghiệp như may công nghiệp, thêu tay, tin học văn phòng và các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng. Đồng chí Bùi Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: Với mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 1.500 LĐ, trong đó tối thiểu 90% LĐNT qua đào tạo có việc làm hoặc vận dụng có hiệu quả những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế sản xuất, vì vậy thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của toàn xã hội về vai trò của đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đồng thời phát huy vai trò chủ động và trách nhiệm của chính quyền phường, xã trong khảo sát, xác định các ngành nghề LĐ gắn với phát triển KT-XH của từng địa phương.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020: Tạo việc làm mới cho 15,5 nghìn LĐ/năm. LĐ qua đào tạo đến năm 2020 đạt 60%, trong đó đào tạo nghề đạt 45%. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng LĐ làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm xuống còn 29%; khu vực công nghiệp-xây dựng tăng lên 34%; khu vực dịch vụ tăng lên 37%. Như vậy tỉnh ta cần phải tăng cường về số lượng và chất lượng đội ngũ LĐ qua đào tạo làm việc trong lĩnh vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ, đồng thời giảm số lượng LĐ làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp để có thể đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đồng chí Trần Văn Trưa, Phó giám đốc Sở LĐ-TB& XH cho biết thêm: Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT đạt hiệu quả, thời gian tới các ngành chức năng và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân trong việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề; đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề, gắn kết với doanh nghiệp và các cơ sở sử dụng LĐ với các cơ sở đào tạo nghề; tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên dạy nghề được tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người LĐ sau khi học nghề được vào làm tập trung tại các doanh nghiệp, đồng thời mở rộng việc giới thiệu đưa đi đào tạo nghề bằng nhiều hình thức tại các cơ sở trong và ngoài tỉnh với các nghề phù hợp, có việc làm ổn định và thu nhập khá trở lên.

Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã giúp cho người lao động có được “chiếc cần câu” để họ có thể nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời được tiếp cận với kỹ thuật sản xuất tiên tiến, qua đó góp phần vào công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT.