Trước đây, do nhận thức và ý thức BVMT còn hạn chế, nên tình trạng người dân ở thôn Mỹ Hiệp (xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn) xả rác thải, nước thải ra đường làng, cống thoát nước còn khá phổ biến, không chỉ làm mất mỹ quan, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân trong thôn.
Nhân dân thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn tích cực dọn vệ sinh trên các tuyến đường nội thôn.
Thấy được vấn đề này, năm 2012, Ủy ban MTTQVN huyện đã chọn thôn Mỹ Hiệp để triển khai thí điểm mô hình “Khu dân cư tự quản BVMT”. Để phát huy tính hiệu quả của mô hình, ngay từ khi mới triển khai, Ban công tác Mặt trận thôn đã lồng ghép nội dung BVMT vào các buổi họp dân, sinh hoạt đoàn thể để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt việc thu gom rác, chất thải, xử lý nước thải trong sinh hoạt và chăn nuôi một cách triệt để. Bên cạnh đó, Mặt trận thôn còn tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết không vứt rác, xác động vật bừa bãi ra đường, xuống kênh mương, phải vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch đẹp… Nhờ đó, vấn đề ô nhiễm môi trường ở địa phương đến nay đã được cải thiện đáng kể. Ông Trần Ấn, Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Hiệp, cho biết: Từ khi được chọn làm thí điểm mô hình tự quản, bà con đã bỏ được thói quen vứt rác bừa bãi, biết cách xỷ lý rác, nước thải bằng cách phơi rác để đốt, đào hầm chứa nước thải, nên tình trạng ứ đọng rác, nước thải không còn như trước đây nữa.
Hay như thôn Tân Hòa (xã Hòa Sơn), tuy mới được Ủy ban MTTQVN huyện chọn triển khai mô hình nói trên vào đầu năm 2015, nhưng đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về BVMT. Ông Ngô Hòa, Trưởng thôn Tân Hòa, cho biết: Trước đây, rác thải của các hộ gia đình thường “tiện đâu vứt đó”, nhưng từ khi triển khai mô hình, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, người dân đã ý thức được việc thu gom, xử lý rác thải, chất thải… nên vấn đề về môi trường luôn được đảm bảo.
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, đến nay, huyện Ninh Sơn đã nhân rộng ra 22 thôn, khu phố của 8 xã, thị trấn. Điểm đáng chú ý là từ ngày thực hiện mô hình, người dân địa phương đã nâng cao được ý thức, thay đổi hành vi và hình thành ý thức tự giác của cộng đồng dân cư đối với công tác BVMT. Bằng những việc làm cụ thể, tình trạng người dân vứt rác bừa bãi trong khu dân cư đã giảm hẳn, đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp. Những vấn đề bức xúc về môi trường tại các khu dân cư được người dân bàn bạc, xử lý theo nội quy.
Bà Trịnh Thị Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện, cho biết: Để mô hình ngày càng có sức lan tỏa, thời gian tới, Mặt trận huyện sẽ phối hợp các đoàn thể, địa phương phấn đấu mỗi năm triển khai từ 2-3 điểm khu dân cư tự quản BVMT. Bên cạnh đó, địa phương còn vận động người dân duy trì thói quen trồng cây xanh trên các trục đường, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xa khu dân cư…, nhằm đảm bảo tốt vệ sinh môi trường.
Tiến Mạnh