Nỗ lực
Phát triển cây xanh là một trong những nhiệm vụ được thành phố đặc biệt quan tâm. Chỉ riêng từ năm 2013 đến nay, thành phố đã trồng mới và thay thế trên 5.500 cây xanh, 45.000 hoa, cây cảnh các loại dọc hai bên các tuyến phố, dãi phân cách, vòng xuyến, khu dân cư, công viên, trường học...nâng tổng số cây xanh hiện có trên 10.000 cây tại 70 tuyến đường, các điểm công cộng. Nhờ vậy, mật độ phủ xanh đã tăng từ 6m2/người (năm 2011) lên 8,4m2/người (năm 2015). Thành phố còn có 2 hồ điều hòa, 1 nhà máy xử lý nước thải; nhiều công viên cây xanh được đầu tư xây mới và mở rộng ở các khu dân cư, tạo nên “lá phổi” xanh điều hòa không khí, “giải nhiệt” cho người dân đô thị.
Nhiều công viên cây xanh được đầu tư xây mới góp phần làm đẹp và giải nhiệt cho thành phố.
Công tác vệ sinh môi trường cũng được tăng cường. Năm 2015, thành phố mở rộng thu gom rác trên các tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai và khu vực biển Bình Sơn-Ninh Chử. Gần 100% khu phố trên địa bàn đã tổ chức đội vệ sinh thu gom rác tại 33 tuyến đường, 4 cơ quan và các điểm công cộng, khu vui chơi giải trí, khu du lịch... với khối lượng rác thu gom trung bình mỗi ngày trên 150 tấn. Ngoài ra, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể còn vận động Nhân dân tham gia phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, tổ chức các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường, tháo dỡ, bóc tróc các mẫu quảng cáo, rao vặt... Thực hiện chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, thành phố huy động nguồn lực trong dân nâng cấp nhiều tuyến giao thông nội phường, mở rộng hệ thống chiếu sáng nhiều địa bàn, khu dân cư. Đến nay, 90% đường có tên, ngõ hẽm được lắp đặt hệ thống chiếu sáng; 70% đường hẻm nội phường được bê-tông... Với những việc làm thiết thực góp phần quan trọng tạo diện mạo mới “Xanh-Sạch-Đẹp” hơn cho thành phố.
Cần sự vào cuộc của người dân
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng thành phố “Xanh-Sạch-Đẹp” còn nhiều hạn chế, khó khăn. Nổi cộm nhất là tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán; mẫu rao vặt dán tại những điểm công cộng trụ điện, cột đèn tín hiệu giao thông... vẫn còn khá phổ biến. Một trong những nguyên nhân chính là do nhiều người dân chưa có ý thức trong việc việc bảo vệ môi trường, giữ gìn mỹ quan đô thị. Ông Phạm Ngọc Hy, Trưởng Phòng quản lý đô thị thành phố, chia sẻ: Thời gian qua, Phòng Quản lý đô thị phối hợp với chính quyền các địa phương, ngành chức năng tăng cường các đợt ra quân lập lại trật tự đô thị, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, buôn bán, đỗ xe... không đúng nơi quy định, nhưng sau khi bị nhắc nhở, xử phạt, trong số đó không ít người vẫn tiếp tục tái phạm. Nhiều hộ dân vứt rác bừa bãi, đỗ rác không đúng nơi quy định nên dẫn đến tình trạng bãi rác tự phát, rác tồn đọng qua ngày...”.
Công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây xanh cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài số cây được thành phố hợp đồng với các đơn vị công ích bảo vệ, chăm sóc tốt, thành phố còn thực hiện chủ trương xã hội hóa với phương châm Nhà nước và Nhân dân chung tay phát triển cây xanh, nhằm giảm bớt chi phí từ ngân sách địa phương, đồng thời tạo nếp sống văn minh, nâng cao ý thức cho người dân về việc làm ý nghĩa này. Qua đó, hằng năm, Phòng Quản lý đô thị cung cấp cho UBND các phường, xã khoảng 400-500 cây con. Số cây này được giao lại cho người dân tự trồng, chăm sóc. Theo quy định, khi giao cây, phường phải tổ chức cho người dân ký cam kết bảo đảm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc. Tuy nhiên, việc làm này lại không được các địa phương thực hiện; nhiều người dân được giao cây nhưng không trồng hoặc có trồng nhưng không chăm sóc tốt dẫn đến tỷ lệ cây sống và phát triển không cao như mọng đợi, vừa tốn kém chi phí của Nhà nước, vừa ảnh hưởng đến công tác phát triển xây xanh trên địa bàn thành phố.
Với thực trạng như hiện nay, để xây dựng thành phố “Xanh-Sạch-Đẹp”, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các ngành chức năng trong công tác quản lý, quan trọng nhất vẫn là nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân. Chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt cần xây dựng, nhân rộng những điển hình tiêu biểu, mô hình xã hội hóa kêu gọi toàn thể nhân dân, các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Đồng thời cần có chế tài phù hợp, mang tính giáo dục, răn đe đối với những trường hợp vi phạm, giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, chung tay xây dựng thành phố ngày càng sạch đẹp, văn minh.
Uyên Thu