Lỗi tại... trời?

(NTO) Sáng thứ hai đầu giờ làm việc, chị cùng cơ quan đố tôi: Này chú, những lúc con người rơi vào trạng thái… ờ, đại loại là tự mình không giải quyết được thì kêu ai vậy? Tôi buột miệng: Con bé nhà tôi cứ gì khó là kêu mẹ! Thế giờ chú có kêu mẹ không?

Không ngờ bữa nay mình đoảng quá, may mà chị nói luôn: Kêu trời ông “cụ” ạ. Buồn thế, em mới có bốn mươi xuân xanh được chị phong chức “cụ”, nhưng kêu trời thì quá thường, bây giờ có gì lỗi người ta lại đổ tại trời mới lạ chứ. Ừ, chú cũng thông minh ra phết, lỗi… tại trời là dễ nghe nhất!?

Nghe chuyện hai người cùng cơ quan chào hỏi nhau buổi sáng đầu tuần, khiến tôi lại nhớ chuyện anh cán bộ quản lý giáo dục say sưa nói về tình hình đạo đức học sinh. Anh cho biết thời nay sanh ít con, cha mẹ nuông chiều chúng quá mức. Nào là trang bị cho con mình điện thoại thông minh, học hành thì ít mà lên facebook thì nhiều, rồi bị ảnh hưởng những cái xấu trên mạng, rồi hình thành nhóm G7, G8 (nhóm học sinh nhà giàu) phân biệt giàu, nghèo; học sinh gì mà nói tục, đánh nhau, tụ tập các quán trà sữa bàn chuyện… thật không ra sao cả. Đấy, sự xuống cấp về đạo đức của học trò là hệ lụy thời kinh tế thị trường, cha mẹ chỉ lo làm ăn không quan tâm giáo dục, quản lý con em mình. Tôi thầm nghĩ vậy ra đạo đức học sinh chưa tốt bởi cha mẹ, còn thầy, cô giáo, nhà trường thì sao nhỉ?

Nhưng chuyện anh cán bộ quản lý giáo dục nêu cũng có cơ sở, bởi khu phố tôi có đôi vợ chồng làm kinh doanh mải mê đến nỗi có hai đứa con trai học hành tốn kém mà không đậu nổi trung học phổ thông. Ban đầu chỉ là buôn bán nhỏ, rồi nhờ có mối quen ở thành phố họ chuyển sang kinh doanh thức ăn gia súc. Ngày ngày chồng theo xe bỏ hàng đầu mối các huyện, thu tiền nợ; vợ lo điều hành nguồn hàng, bán buôn, bán lẻ. Họ đi đi, về về lo chuyện kinh doanh cứ như con thoi vậy. Làm ăn ra sao chưa biết nhưng nhìn hai cậu quý tử xài điện thoại hàng xịn, đi xe đạp cuộc, xe máy điện, xe máy hàng nhập làm tụi nhỏ cùng khu phố cứ liếc mắt nhìn mà thèm. Thấy con em các gia đình xung quanh học hành thành đạt, có đứa gia đình nghèo nhưng nhờ nỗ lực vươn lên không chỉ tốt nghiệp cấp ba đầu bảng mà còn được học bổng du học đại học nước ngoài. Hiểu ra, anh chồng than thở nghe thật đau buồn: Thế là mất trắng cả hai đứa con, còn chị vợ thì cho rằng “chỉ tại chúng giao du với tụi con nhà đại gia, đám anh chị”. Họ đâu có nhận ra lỗi “con hư tại mẹ”.

Có lẽ không chỉ anh cán bộ quản lý giáo dục hay đôi vợ chồng doanh nhân có con học hành không đến nơi đến chốn mà đã hình thành thói quen trong một bộ phận là cá nhân, tập thể, có khi là lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp… thường cho rằng thành tích là của chính mình, còn khuyết điểm (lỗi) do khách quan (trời). Trời là ai, ở đâu sao mà biết được, nhưng “lỗi tại trời” kể cả trong góp ý phê bình và tự phê bình là dễ chấp nhận nhất và nhờ thế “cả làng” đều vui vẻ. Vì thế, nếu kiểm nghiệm lại từng cá nhân, tập thể… sẽ thấy được nguyên nhân tại sao đến nay chúng ta đã hội nhập hàng chục năm với thế giới nhưng vẫn chỉ là người đến sau so với các nước trong khu vực ASEAN. Ai đó nói rằng, người Hàn Quốc có câu châm ngôn để răn dạy mình “không đổ lỗi cho hoàn cảnh”, “không gì là không thể nếu quyết tâm sẽ làm được”… Thiết nghĩ đã đến lúc từ bỏ thói quen “lỗi tại trời” để vượt qua chính mình, để xây dựng gia đình hạnh phúc, quê hương, đất nước giàu mạnh.