Động lực thúc đẩy thương mại phát triển

(NTO) Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhưng kết thúc năm 2015, hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh ta vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 14.000 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân đạt gần 5.300 tỷ đồng, tăng 24,48%; khu vực kinh tế nhà nước đạt trên 930 tỷ đồng và khu vực kinh tế cá thể đạt trên 7.800 tỷ đồng, tăng 13,12%, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh nhà.

Đồng chí Lê Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Đạt kết quả trên là thời gian qua, ngành đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đồng thời kích cầu tiêu dùng thông qua hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, xúc tiến thương mại, kết nối cung, cầu hàng hóa với các doanh nghiệp và địa phương trong khu vực. Bên cạnh đó, ngành còn tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh, của doanh nghiệp để nâng cấp, xây mới, mở rộng hệ thống các chợ, siêu thị. Trong đó, đáng chú ý là Trung tâm Thương mại Maximark, Cửa hàng chuyên kinh doanh điện máy Xanh đã đưa vào hoạt động, góp phần tạo diện mạo đô thị văn minh, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

 
 Chợ Phan Rang được đầu tư hiện đại, đáp ứng nhu cầu mua sắm người dân. Ảnh: Văn Thanh

Theo số liệu của Sở Công Thương, tính đến nay, toàn tỉnh có 2 siêu thị, 1 Trung tâm thương mại và 109 chợ các loại, trải đều khắp từ thành thị đến vùng nông thôn, góp phần cải thiện dần cấu trúc thị trường theo hướng đa dạng, vừa phát huy được các loại hình kinh doanh truyền thống, vừa phát triển được một số dịch vụ mua bán văn minh, hướng đến hiện đại. Ở các vùng sâu, vùng xa và một số xã đông dân cư miền núi, hệ thống các chợ, cửa hàng mua bán nhỏ cũng ngày phát triển khá phong phú, với số lượng gần 1.000 tiệm tạp hóa và đại lý kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Hệ thống này tuy phát triển mang tính tự phát, có quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp trong quản lý và kinh doanh không cao, nhưng đáp ứng khá tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, giúp người dân địa phương tiêu thụ sản phẩm và mua sắm thuận tiện.

Điều đáng ghi nhận nữa đó là, để đảm bảo ổn định thị trường, trong năm 2015, Sở Công Thương đã phối hợp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà; Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận; Công ty TNHH TM&DV Trúc Nguyên và Công ty TNHH TM&DV Thy Thy... tổ chức 40 chuyến bán hàng lưu động phục vụ người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, doanh thu mỗi chuyến đạt từ 10-15 triệu đồng. Đơn vị tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về nông thôn miền núi tại các huyện Ninh Hải, Ninh Sơn, Bác Ái và Thuận Nam, thu hút hơn 84 lượt doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tham gia, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng, với hơn 40.000 lượt người tham quan mua sắm, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành Thương mại đạt 17,3%/năm.

Tuy kết quả đạt được là vậy, nhưng thực tế phải nhìn nhận rằng, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn còn nằm trong tình trạng kém phát triển, chưa đảm bảo tính hài hòa. Hầu hết các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại đều mới chỉ tập trung ở trung tâm thành phố, còn tại các vùng nông thôn, hệ thống phân phối hàng hóa còn nhỏ lẻ, hoạt động mua bán chủ yếu thông qua loại hình truyền thống như chợ, các cửa hàng nhỏ và hệ thống phân phối lưu động của các công ty, tổng đại lý. Đó là chưa nói đến việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp; thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến thương mại còn hạn chế. Do đó, nếu chậm khắc phục có hiệu quả sẽ trở thành “rào cản” ngay cả hòa nhập với thị trường trong nước chứ chưa nói đến việc “vươn ra biển lớn”, khi sắp đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.

 
Nhiều mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn tại phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Bác Ái.

Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Lê Văn Nguyên, cho biết thêm: Trên cơ sở đánh giá hiện trạng và thực tế hoạt động của hệ thống thương mại hiện có, bước sang năm 2016, xác định đây là năm mở đầu cho cả giai đoạn phát triển mới. Do vậy, Sở Công Thương sẽ bám sát mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh và kế hoạch tái cơ cấu ngành Công Thương để tập trung đầu tư phát triển hệ thống thương mại phù hợp với nhu cầu thị trường, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích, mở rộng phát triển các hình thức thương mại văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra, đó là đến năm 2020 đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân từ 18-20%/năm.

Để thực hiện đạt kế hoạch đề ra, theo đồng chí Lê Văn Nguyên, trước mắt, từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương phối hợp các đơn vị truyền thông, các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin để người dân và các doanh nghiệp không tham gia và tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, mua bán hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả. Cùng với đó, ngành còn tổ chức gặp mặt, đôn đốc và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh và dự trữ các loại hàng hóa phục vụ tết. Tăng cường kiểm soát hệ thống phân phối lưu thông; thanh, kiểm tra việc niêm yết giá bán của tiểu thương, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của Nhà nước về đầu cơ, liên kết độc quyền, lợi dụng nhu cầu tăng cao trong dịp tết để trực lợi bất chính.

Về lâu dài, tập trung nâng cao chất lượng các loại hình thương mại – dịch vụ; gắn kết thị trường thành thị với nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, thông qua các hình thức như mở rộng ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đẩy mạnh việc quy hoạch xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị đi đôi với việc mở rộng hệ thống chợ; quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, hoạt động xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin dự báo thị trường cho các doanh nghiệp... phấn đấu đến cuối năm 2016, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 16.100 tỷ đồng, tăng khoảng 14 - 15% so với cùng kỳ năm 2015.

Có thể nói, giải pháp phát triển hoạt động thương mại thì đã rõ, vấn đề còn lại là sự quyết tâm của toàn ngành và sự quan tâm lãnh đạo, đầu tư của tỉnh. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tin rằng hoạt động thương mại tỉnh nhà không chỉ vững bước vào thời kỳ phát triển mới, mà còn có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.