Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, suy nghĩ về những điều Bác đã căn dặn Ngành Giáo dục Việt Nam

Thư cuối cùng của Bác Hồ gửi cho ngành Giáo dục nhân ngày khai trường năm học mới 1968. Đã qua hơn 47 năm, đọc lại chúng ta càng thấy những điều Bác căn dặn vẫn sâu sắc và nhiều ý nghĩa.

Đầu thư, sau lời ân cần hỏi thăm cô giáo, thầy giáo và học sinh, Bác khái quát hoàn cảnh khó khăn của đất nước trong thời kỳ chiến tranh, nêu bật những những cố gắng, thành tựu của ngành Giáo dục, chỉ ra nguyên nhân của những thành công đó và Bác đã: “…khen ngợi những cố gắng và thành tích mà các cô, các chú và các cháu đã đạt được”.

Khẳng định những nhiệm vụ khó khăn và nặng nề của ngành Giáo dục trong điều kiện thời chiến, Bác đã căn dặn các cô, thầy và trò ba nhóm nhiệm vụ mà như Bác viết là: “…rất quan trọng và rất vẻ vang”.

Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là: Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đốí trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và Nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.

Trong kho tàng tư tưởng đồ sộ của Bác để lại cho chúng ta hôm nay, Bác đã đúc kết ba truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, truyền thống đoàn kết trong đấu tranh dựng nước, giữ nước và truyền thống cần cù trong lao động và chiến đấu. Trong ba truyền thống đó thì truyền thống yêu nước nồng nàn là truyền thống quan trọng và có tính căn bản nhất, để từ đó hun đúc nên truyền thống đoàn kết và truyền thống cần cù sáng tạo. Do vậy, việc đầu tiên Bác căn dặn là các cô, thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc. Đó là yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, đồng chí, yêu non sông gấm vóc mà ông cha ta đã đổ bao công sức, mồ hôi và cả máu qua mấy nghìn năm xây dựng và bảo vệ mới có được. Và cụ thể hơn, Bác căn dặn là phải yêu Chủ nghĩa xã hội.

Theo Bác thì Chủ nghĩa xã hội là một xã hội có lý, có tình. Lý ở đây là quy luật, là khoa học, là pháp luật và tình ở đây là giá trị nhân văn, nhân tính, là đạo đức trong sáng, là giá trị con người. Như vậy, yêu Tổ quốc thì phải xây dựng xã hội ta thành một xã hội xã hội chủ nghĩa, một xã hội có lý, có tình như Bác giải nghĩa. Đó là một chặng đường đầy cam go, gian khổ mà chỉ có Đảng Cộng sản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, với sứ mệnh lịch sử của mình mới thực hiện được. Do vậy, Bác căn dặn các cô, thầy và trò phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho để: “…xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng” đang đứng ở tuyến đầu chống Mỹ.

Nhóm nhiệm vụ thứ hai là: Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.

Bác đã chỉ rõ nhiệm vụ thi đua của các cô, thầy và trò là dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Các cô, thầy cần thi đua dạy tốt và các trò cần thi đua học thật tốt. Trong phong trào thi đua đó, các cô, thầy trước hết phải là những tấm gương sáng cho các trò noi theo. Trong hoạt động dạy học cần trước hết chú trọng giáo dục chính trị, giáo dục tư tưởng cho học sinh, tức là rèn luyện đạo đức cách mạng, làm nền tảng để nâng cao chất lượng văn hóa và trình độ chuyên môn. Tất cả những kiến thức đó đều phải gắn với thực tiễn mà cách mạng Việt Nam đòi hỏi phù hợp trong mỗi giai đoạn cách mạng cụ thể.

Nhóm nhiệm vụ thứ ba là: Các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn.

Ở đây, Bác Hồ đã kết hợp nhuần nhuyễn triết học phương Tây và phương Đông, giữa triết học Mác Lênin về vật chất, ý thức và truyền thống triết lý phương Đông “Có thực mới vực được đạo”. Do đó, Bác căn dặn các cô, thầy muốn dạy tốt, các trò muốn học tốt thì trước hết phải làm công tác quản lý cho tốt nhằm bảo đảm chăm lo đời sống vật chất, cũng như đời sống tinh thần cho các cô, thầy và trò nhằm phù hợp với quy luật khách quan. Đó là lời căn dặn, lời huấn thị vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nhân văn sâu sắc.

Có thể thấy rằng, ba nhóm nhiệm vụ mà Bác Hồ căn dặn các cô, thầy và trò có mối quan hệ chặt chẽ, logic và thống nhất. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo thì trước hết phải xuất phát từ lòng yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, từ đó mới có thể trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng thì mới sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và Nhân dân giao cho. Từ đó, các cô, thầy và trò mới có thể tổ chức tốt các phong trào thi đua dạy tốt và học tốt. Và để thi đua dạy tốt và học tốt thì cần phải quản lý đời sống vật chất và tinh thần, tạo nền tảng vật chất, tinh thần để thực hiện những nhiệm vụ trên.

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ nêu trên, trong thư Bác đã chỉ ra cho các cô, thầy và trò những giải pháp cụ thể vừa mang tính khái quát lý luận, nhưng cũng rất thực tiễn mà cho tới nay chúng ta vẫn cần suy nghĩ. Bác đã từng khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Nay trong lá thư cuối cùng, Bác đã vận dụng rất cụ thể “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”. Do đó, trong hoạt động giáo dục, Bác căn dặn cần phải phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Và Bác chỉ rõ là phải “…xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và Nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó”, tức là Bác lại căn dặn các cô, thầy và trò phải tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết đấu tranh trong việc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Cuối cùng, trong thư Bác không quên nhắc nhở các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, phải chǎm sóc nhà trường về mọi mặt vì mục tiêu của giáo dục là đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và Nhân dân.

Thiết thực thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thiết nghĩ mỗi cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong ngành Giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu, suy nghĩ học tập và vận dụng “làm theo” những lời Bác căn dặn trong thư mà Bác gửi cho ngành cách đây hơn 47 năm phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Cụ thể là ngành giáo dục cần chú trọng tiếp tục triển khai quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế với mục tiêu: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; hướng đến phát triển năng lực người học, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức sang tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Phương châm đổi mới giáo dục là: Thực hiện giáo dục toàn dân, nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp phần giáo dục ý thức công dân, phẩm chất chính trị, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ con người Việt Nam và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay.