ĐBQH: Người dân kỳ vọng việc sửa đổi Luật Tố tụng hành chính

Sáng 27-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tố tụng hành chính. Đây là một trong những phiên thảo luận sôi nổi, khi có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra.

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho biết, đa số người dân rất mong đợi và kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Tố tụng hành chính. Lý do thì có nhiều, nhưng nói một cách ví von thì đây là luật quy định việc “dân đi kiện quan”, do đó mọi quy định phải được xây dựng một cách chính xác, chặt chẽ. Một lý do nữa cũng được các ĐBQH đưa ra là Luật Tố tụng hành chính hiện hành rất khó đi vào cuộc sống.

Nhiều ĐBQH thảo luận dự thảo Luật Tố tụng hành chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tòa nào xử cấp nào?

Đa số ý kiến ĐBQH thống nhất cho rằng việc xác định thẩm quyền xét xử là vấn đề mấu chốt trong luật này. Tuy nhiên quy định cấp tòa nào xử vụ án liên quan đến quyết định hành chính của cấp chính quyền nào thì lại có hai luồng ý kiến đối lập.

Một hướng đề nghị nghiên cứu để làm sao quy định thẩm quyền của cấp huyện là chỉ xử các vụ án hành chính từ cấp xã, còn cấp huyện thì lên cấp tỉnh xử, cấp tỉnh lên Tòa án nhân dân Tối cao xử để bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cơ bản của công dân.

Các ĐBQH đồng tình với hướng lập luận này, quy định như vậy sẽ cơ bản giải tỏa được tâm lý e ngại của người dân khi có việc phải hầu tòa để tìm sự công bằng, sẽ có tác động rất tích cực đến việc xây dựng nền hành chính minh bạch và hiệu quả.

“Người dân đi kiện, đi tìm công lý phải tìm và chọn nơi phân xử mà người dân tin là khách quan, tìm tới người đứng trung gian, hoặc đứng trên có đủ thẩm quyền để phân định đúng, sai”, ĐB Bùi Mạnh Hùng nói.

“Cũng có ý kiến cho rằng, nếu cho lên cấp tỉnh thì đường xa gây khó khăn cho công dân. Người ta không cần thắng thua được bao nhiêu tiền, người ta cần bảo vệ danh dự và bảo đảm công lý được thực hiện. Tôi nghĩ rằng, không cần lo gì đối với người dân là lên cấp tỉnh xa quá”, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhận định.

Tuy nhiên, luồng ý kiến này vướng quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân vừa được QH ban hành. Bởi theo suy luận logic thì những vụ liên quan đến UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh sẽ phải giao cho Tòa án nhân dân Tối cao. Nhưng theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân mà QH mới thông qua thì Tòa án nhân dân Tối cao không có chức năng xét xử sơ thẩm.

Được ủy quyền cho ai?

Tại Khoản 3, Điều 62 dự thảo Luật quy định, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được quyền cho cấp phó của mình đại diện.

Thảo luận về nội dung này, ĐB Phạm Văn Hà (Nghệ An) cho rằng, theo Luật Tố tụng hành chính hiện hành, do việc quy định người đại diện không chặt chẽ, không cụ thể, nên trong thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính đa số người bị kiện chỉ ủy quyền cho cán bộ tham mưu, giúp việc, gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án, làm cho vụ án kéo dài.

Trong thực tiễn lâu nay người bị kiện là UBND hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện thường ủy quyền cho trưởng phòng; ở cấp tỉnh Chủ tịch UBND tỉnh thường ủy quyền cho Chánh Văn phòng, phó chánh văn phòng hoặc phó giám đốc sở. Nhiều trường hợp, quá trình xét xử người được ủy quyền thường phải xin hoãn phiên tòa để xin ý kiến người uỷ quyền.

Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) lại có hướng tiếp cận khác. Cụ thể, ĐB đề nghị QH cân nhắc để mở rộng phạm vi ủy quyền đại diện cho người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc là người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

“Nếu người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình thì vẫn sẽ gặp khó khăn, vướng mắc trong quản lý hành chính Nhà nước và cũng khó khăn vướng mắc cho tòa án khi giải quyết vụ án hành chính”.

Theo ĐB Bình, thực tế đa số vụ án hành chính có người bị kiện là UBND hoặc Chủ tịch UBND là cơ quan và là người chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước ở địa phương. Nếu chủ tịch hay phó chủ tịch UBND phải trực tiếp tham gia tố tụng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động quản lý Nhà nước, đến việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, nhất là trong điều kiện hiện nay.

Ý kiến này cũng nhận được đồng tình của một số ĐBQH. Theo đó, nếu cho người đại diện theo ủy quyền là đại diện của cơ quan tham mưu chuyên ngành, hoặc cán bộ tham mưu giúp việc của văn phòng UBND thì cũng sẽ có điều kiện để tham gia tố tụng thuận lợi hơn. Theo các ĐBQH, quan trọng nhất là ý thức chấp hành pháp luật, sự hợp tác và nhận thức của chính quyền các cấp trong việc giải quyết án hành chính.

Phát biểu về nội dung này trước khi kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, việc ủy quyền rộng quá thì không có hiệu quả, chỉ nên ủy quyền cho cấp phó.

“Đây là vấn đề chúng tôi sẽ cân nhắc thêm”, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết.

Nguồn www.chinhphu.vn