Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, chưa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân

(NTO) Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ đầu năm đến nay, cùng với việc triển khai hàng loạt chương trình xúc tiến thị trường, thương mại để kết nối cung- cầu với các tỉnh, thành phố trong nước, tỉnh ta còn tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các huyện: Ninh Hải, Ninh Phước, Bác Ái và Thuận Nam, để người dân có điều kiện tiếp cận hàng Việt. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm, đó là sau khi các phiên chợ kết thúc, rất nhiều người tiêu dùng cho rằng, hàng hóa tại các phiên chợ chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân địa phương.

Chị Nguyễn Thị Hường, ở huyện Ninh Sơn, chia sẻ: Biết phiên chợ tổ chức tại địa phương, tôi cùng nhiều chị em háo hức muốn đến mua hàng. Thế nhưng, sau khi tham quan một vòng thấy sản phẩm bày bán quá nghèo nàn. Sản phẩm mà doanh nghiệp bày bán ở phiên chợ chỉ mới dừng lại ở các mặt hàng, gia dụng, đồ may mặc..., theo dạng bán buôn, bán lẻ thuần túy, nên chưa kích cầu được người tiêu dùng. Điều này không chỉ làm giảm đi ý nghĩa của chương trình mà cứ sau mỗi phiên chợ thì hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ lại “chiếm lĩnh” nhiều ở vùng nông thôn, miền núi.

 
Người dân tham quan, mua sắm hang hóa tại các phiên chợ.

Việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn mục đích là tạo cơ hội để người dân tiếp cận và sử dụng hàng hóa do các DN trong nước sản xuất, nhưng qua khảo sát của chúng tôi cho thấy, tại các phiên chợ vẫn có tình trạng một số DN lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận, tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, hàng quá đát, làm ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng. Điểm đáng chú ý nữa đó là số DN tham gia các phiên chợ cũng ngày càng ít dần và thời gian chỉ diễn ra từ 3 – 4 ngày, nên người dân địa phương ví đây là những đợt “buôn chuyến” của các DN.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC&XTTM) tỉnh, cho biết: Có tình trạng này là do một số DN khi tham gia chương trình còn yếu về năng lực tài chính. Bên cạnh đó, bản thân các DN chưa chú trọng đến công tác nghiên cứu thị trường, kỹ năng bán hàng, nên chưa mạnh dạn xây dựng mạng lưới phân phối bán lẻ ở vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, do dân cư ở đây sống không tập trung, nên sức mua thấp, trong khi đó chi phí vận chuyển đến các vùng này cao hơn các địa bàn trung tâm.

Được biết, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trước mỗi phiên chợ, Trung tâm KC&XTTM tỉnh phối hợp các địa phương thực hiện khá tốt công tác thông tin, cũng như chú trọng đến việc lựa chọn các DN tham gia. Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, vận động đến nay có thể nói, tâm lý ưa hàng ngoại, hàng rẻ tiền của người dân đã ngày được thay đổi. Điều đó chứng tỏ người tiêu dùng trong tỉnh đã có sự tin tưởng lựa chọn hàng sản xuất trong nước, nhưng thực tế do địa bàn nông thôn tỉnh ta tương đối rộng, trong khi đó hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn mới chỉ tổ chức ở quy mô nhỏ, các DN tham gia chương trình này cũng mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức bán hàng tại các trung tâm huyện, thị trấn, cụm xã, nên bà con ở các khu dân cư vùng sâu, vùng xa tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước vẫn còn ít.

Từ thực tế trên thiết nghĩ, để việc đưa hàng Việt về nông thôn không mang tính hình thức thì trước hết tỉnh cần có những giải pháp cụ thể, như: Quy hoạch, nâng cấp và mở rộng mạng lưới chợ nông thôn để thương nhân các địa phương liên kết mua bán hàng hóa. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương cần có sự phối hợp vận động DN nêu cao vai trò trách nhiệm của mình trong sản xuất, kinh doanh và tăng cường cải tiến mẫu mã, sản xuất các mặt hàng phù hợp với nhu cầu người dân, nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Đối với các DN cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm, nhất là phải tạo dựng được lòng tin cho người tiêu dùng. Bởi vì, dù có tuyên truyền, vận động người tiêu dùng đến đâu, nhưng sức thuyết phục nhất vẫn là chất lượng và giá cả sản phẩm là điều quan trọng nhất.