Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị Trình Đại hội XII của Đảng:

Về hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức

(NTO) Nghiên cứu nội dung “Nhiệm vụ tổng quát trong 5 năm tới” của Dự thảo báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, tôi đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ thứ 10: “Tiếp tục hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch vững mạnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…”

Trên cơ sở nhất trí cao với nội dung nhiệm vụ nêu trên, tôi xin đóng góp một số ý kiến góp phần làm rõ thêm phương hướng, nhiệm vụ xung quanh vấn đề mà cá nhân tôi và dư luận xã hội rất quan tâm hiện nay, đó là xây dựng bộ máy quản lý nhà nước thật sự tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Xây dựng hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước cùng với các cơ quan lãnh đạo của Đảng, của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp và các tổ chức xã hội mang tính đặc thù từ Trung ương đến địa phương sao cho tinh gọn, hợp lý, phát huy năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị trong giai đoạn 5 năm tới để đáp ứng ngày càng cao yêu cầu hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy dân chủ, tiếp tục đưa đất nước hội nhập và phát triển bền vững vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, vừa có tính cấp bách trước mắt, vừa có tính thường xuyên lâu dài.

Tồn tại bất cập liên quan đến vấn đề bộ máy hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay là việc bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự tinh gọn như mong muốn; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể còn nhiều cồng kềnh, chưa thực hiện tinh giản một cách có thực chất và hiệu quả. Điều đó dẫn đến hệ lụy là chi ngân sách cho hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, hoạt động của Đảng và hoạt động của các tổ chức chính trị- xã hội chiếm tỷ trọng khá lớn, lớn hơn cả chi cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, thực hiện cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Điều đó sẽ dẫn đến bội chi ngân sách, ngân sách phải đi vay nợ để chi cho bộ máy hành chính. Đây là điều trái với quy luật phát triển của nền hành chính nhà nước, rất đáng lo ngại. Mặt khác, với số lượng cán bộ, công chức, viên chức khá đông đảo, không cân đối với khoản ngân sách bỏ ra chi lương dẫn đến tình trạng tiền lương của cán bộ, công chức còn chưa phù hợp với mức sống trung bình của xã hội đã làm nảy sinh tiêu cực và giảm hiệu suất công tác.

Từ nhận định trên, tôi đề nghị Báo cáo chính trị cần thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong nhiệm vụ xây dựng hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức bằng một số những giải pháp quan trọng như: Tiếp tục hoàn thiện bộ máy nhà nước cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của nhà nước trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt chú trọng và quyết tâm thực hiện tinh giản bộ máy; nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, tiêu chuẩn hóa cán bộ, công chức để bố trí nhân sự cho phù hợp với năng lực công tác và yêu cầu quản lý của bộ máy hành chính; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và quản lý hành chính; thực hiện khoán chi tiêu hành chính cho các cơ quan nhà nước; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí trong hoạt động của một số tổ chức Hội quần chúng nhằm giảm dần xu hướng “hành chính hóa” đối với các tổ chức này.