Ngày 12/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 4 để tiếp thu kiến nghị của người dân trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri các phường Nguyễn Thái Bình, Tân Định, Đa Kao... (Thành phố Hồ Chí Minh) đã bày tỏ quan tâm đến tiêu chuẩn nhân sự mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, được Hội nghị Trung ương 12 (Khóa XI) thảo luận và cho ý kiến. Các cử tri cũng thay mặt người dân, kiến nghị đến Quốc hội nhiều nội dung liên quan đến hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, chất lượng kỳ thi đại học cao đẳng, việc thu phí xe gắn máy thí điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh, đền bù cho người bị oan sai, chiến lược kinh tế biển.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cử tri quận 1. (Ảnh: TTXVN)
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, nhiều cử tri cho rằng, sai phạm thời gian qua không giảm, thậm chí có dấu hiệu tăng, xảy ra ở nhiều bộ, ngành, lĩnh vực nhạy cảm như giáo dục, trật tự an ninh, bảo vệ pháp luật... Cử tri kiến nghị ngoài việc đề ra giải pháp hữu hiệu, nghiêm minh, Nhà nước cần tính đến khả năng thu hồi tài sản tham nhũng, trả lại cho đất nước, nhân dân. Hoan nghênh các cơ quan thực thi pháp luật đã kiên quyết xử lý các vụ đại án, các cử tri cũng bày tỏ ý kiến mong muốn các cơ quan chức năng sẽ truy cứu nghiêm minh, không bỏ lọt những trường hợp sai phạm.
Các cử tri cũng đề nghị, nếu để xảy ra oan sai trong điều tra, xét xử, cán bộ đưa ra quyết định sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho công dân; không được dùng tiền ngân sách để chi trả.
Dẫn chứng về sai phạm tại công trình nhà 8B Lê Trực, Hà Nội, cử tri nhấn mạnh, ở những nơi xung yếu của đất nước, Quốc hội phải tăng cường giám sát, không để phát sinh những công trình, dự án ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Các tỉnh Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... cần chú ý khi bố trí các dự án đầu tư nước ngoài. Các cử tri cũng nêu lên những bất cập trong phát triển nông nghiệp, quản lý bảo vệ rừng, chế độ chính sách đối với cán bộ hưu trí, bảo vệ chủ quyền biển đảo; đổi mới để bắt kịp quá trình hội nhập các tổ chức quốc tế và các diễn đàn, định chế kinh tế quốc tế..
Đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội đã tiếp thu các nội dung đề xuất; đồng thời giải đáp các vấn đề liên quan. Về kết quả chống tham nhũng, Chủ tịch nước cho rằng, thời gian qua Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc, đưa ra xử lý nhiều vụ việc cá nhân sai phạm. Tuy nhiên kết quả làm được vẫn chưa đạt như mong muốn. Do vậy, hệ thống chính trị cùng người dân phải tiếp tục cố gắng để hiệu quả thực thi đạt cao hơn; được dư luận ghi nhận đồng tình, ủng hộ. Chủ tịch nước mong người dân tiếp tục cùng chính quyền phát huy vai trò giám sát kiểm tra, cùng phối hợp để đấu tranh ngăn chặn.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4. (Ảnh: TTXVN)
Trước những quan tâm của cử tri về việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, không phải kí kết xong Hiệp định là có thể yên tâm. Nước nhà cần phải xây dựng nền kinh tế tự chủ, giảm lệ thuộc bằng cách nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm, chắt chiu tiết kiệm; thay đổi tư duy để hội nhập. Các bộ, ngành, địa phương phải trăn trở trước thực trạng hàng hóa, đặc biệt là nông phẩm của Việt Nam đắt đỏ hơn các nước. Số lượng hàng của doanh nghiệp nội xuất khẩu ra thị trường ngoại còn rất hạn chế, ít ỏi. Chủ tịch nước khẳng định, hội nhập để tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, nhờ bạn bè quốc tế, nhưng phải trên cơ sở phát huy nội lực là chính. Kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến đều có điểm chung như vậy.
Về ý kiến của cử tri quan tâm đến công tác cán bộ và nhân sự cho Đại hội Đảng XII, Chủ tịch nước nêu rõ, nếu cử tri thấy có trường hợp nào không đủ tiêu chuẩn hoặc có vi phạm quy định của Trung ương, đều có thể gửi ý kiến để tiểu ban nhân sự Trung ương và Bộ Chính trị xem xét. Đây là quyền và trách nhiệm của công dân với tương lai của quốc gia. Chủ tịch nước cũng bày tỏ, qua 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, vai trò và vị thế ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của đất nước, khó tránh khỏi còn nhiều khiếm khuyết trong việc cụ thể hóa chính sách. Trách nhiệm thuộc về khâu nào trong hệ thống đã được quy định hết sức rõ với từng cấp, ngành. Chủ tịch nước đề nghị người dân tiếp tục theo dõi tình hình thực tế, thẳng thắn có ý kiến kịp thời.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, kỳ họp vừa qua xem xét thông qua nhiều dự luật. Đây là việc tất yếu phải triển khai theo tinh thần Hiến pháp 2013. Vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng dự thảo chặt chẽ, có sự đóng góp đầy đủ ý kiến của nhân dân để các dự luật thực sự sát thực tế, có tính khả thi cao khi ban hành. Các cấp, ngành phải quan tâm chỉ đạo, thực thi để luật đi vào cuộc sống.
Nguồn Báo Tin tức - TTXVN