Bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
Tại Quyết định 1709/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Phạm Đại Dương, Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc giữ chức Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông Phạm Đại Dương sinh năm 1974, quê quán Hà Nội.
Ông Phạm Đại Dương từng đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và xúc tiến đầu tư khu công nghệ cao Hòa Lạc; Phó Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc; Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Thay 3 thành viên BCĐ cải cách hành chính của Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thay đổi 3 thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Cụ thể, thay đổi 3 thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ gồm: Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trương thay ông Trần Hồng Hà; ông Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thay ông Cao Lại Quang và ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thay ông Nguyễn Thành Hưng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Theo đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Nội vụ là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ là Phó Trưởng Ban.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ.
Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Chính phủ; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính dài hạn và hằng năm do Bộ Nội vụ trình Chính phủ.
Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; xem xét nội dung các đề án, dự án quan trọng về cải cách hành chính của Chính phủ, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có nội dung chủ yếu liên quan đến cải cách hành chính trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ; các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác cải cách hành chính; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác cải cách hành chính.
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó yêu cầu đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt đến các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân về quan điểm, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến, quyết tâm cao để đưa nông nghiệp lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao.
Đồng thời, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới; thực thi các biện pháp quyết liệt tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết theo chuỗi.
Tăng cường ứng dụng tiến bộ KHCN trong nông nghiệp
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo đột phá trong thực hiện tái cơ cấu; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp khoa học công nghệ mới tiên tiến; xây dựng mô hình mẫu với từng ngành để nhân ra diện rộng; khuyến khích liên kết giữa các tổ chức khoa học nhà nước với các doanh nghiệp.
Xây dựng chương trình đẩy mạnh nghiên cứu, thông tin thị trường, đặc biệt là thông tin về các cam kết thương mại hàng nông, lâm, thủy sản song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia, những cơ hội và thách thức để doanh nghiệp và người dân biết, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời phát triển thị trường và bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước; quan tâm phát triển thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông lâm thủy sản.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường trí thức trẻ cho hợp tác xã nông nghiệp.
Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đối với các địa phương đã phê duyệt Đề án hoặc Chương trình, Kế hoạch hành động cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Đối với các địa phương chưa phê duyệt Đề án hoặc Chương trình, Kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt trong Quý IV năm 2015; lấy địa bàn xã làm cơ sở để chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã, trong đó ở cấp xã, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thực hiện kiêm nhiệm nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát quy hoạch sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương và ưu tiên nguồn lực, tập trung chỉ đạo để tạo chuyển biến rõ rệt về hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Phát hiện, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân sản xuất quy mô lớn theo chuỗi. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý giống, vật tư nông nghiệp; xử lý nghiêm các vi phạm để giảm bớt rủi ro cho nông dân, giảm chi phí sản xuất.
Các địa phương có trong quy hoạch xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao (theo Quyết định 575/QĐ-TTg ngày 4/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ) cần triển khai mạnh mẽ, làm đầu tàu về phát triển nông nghiệp hiện đại, hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành rà soát, điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ quyết liệt tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó lưu ý điều chỉnh, xây dựng các chính sách có tính đặc thù của các vùng, miền; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ huy động, phân bổ các nguồn lực để thực hiện Đề án cho giai đoạn 2016-2020.
Phương án cổ phần hóa Cty mẹ - TCty Cảng hàng không VN
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Theo đó, hình thức cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là vừa bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Vốn điều lệ của ACV là 22.430,98504 tỷ đồng. Cổ phần phát hành lần đầu là 2.243.098.504 cổ phần, mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng, trong đó: Nhà nước nắm giữ 1.682.323.878 cổ phần, chiếm 75% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 31.347.800 cổ phần, chiếm 1,4% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức Công đoàn 3.003.003 cổ phần, chiếm 0,13% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 448.619.701 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai: 77.804.122 cổ phần, chiếm 3,47% vốn điều lệ.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu; chỉ đạo Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng; khi có đủ điều kiện, thực hiện niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật hiện hành.
Việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng được thực hiện theo phương thức bán đấu giá tại Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP là Bộ Giao thông vận tải.
Xử lý dứt điểm tình trạng rác thải đổ hai bên đường QL5
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND các tỉnh Hưng Yên và Hải Dương khẩn trương có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng rác thải sinh hoạt, công nghiệp đổ hai bên đường quốc lộ 5 trên địa bàn.
Trước đó, ngày 1/10/2015, báo điện tử Vietnamnet có đưa tin bài viết về tình trạng rác thải sinh hoạt, công nghiệp đổ hai bên đường quốc lộ 5.
Theo phản ánh, quốc lộ 5 là tuyến đường cao tốc huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với thành phố Hải Phòng. Đây là tuyến đường có lưu lượng các phương tiện vận tải hạng nặng rất cao. Từ nhiều năm nay dọc theo tuyến cao tốc này tồn tại những đống rác thải kéo dài hàng trăm mét hai bên vệ đường. Những đống rác thải không chỉ gây ô nhiễm các khu dân cư, người đi đường mà còn tràn xuống lòng đường cản trở giao thông.
Nhiều năm qua, không ít báo, đài đã phản ánh tình trạng ô nhiễm này, song đến nay những đống rác thải không những vẫn tồn tại mà lượng rác ngày một nhiều hơn.
Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên và Hải Dương khẩn trương có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng rác thải sinh hoạt, công nghiệp đổ hai bên đường quốc lộ 5 trên địa bàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý.
Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa theo quy định pháp luật hiện hành.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa làm việc với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung danh mục dự án và kế hoạch kinh phí thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong năm 2015.
KKT Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa có tổng diện tích 106.000 ha, bao gồm: 66.497,57 ha đất liền và đảo, 39.502,43 ha mặt nước (trong đó: phần diện tích hiện hữu là 18.611,8 ha, phần diện tích mở rộng là 47.885,77 ha đất liền và đảo, 39.502,43 ha mặt nước).
Phần diện tích đất liền và đảo bao gồm toàn bộ diện tích thuộc địa giới hành chính của huyện Tĩnh Gia: 33 xã và 1 thị trấn Tĩnh Gia (trong đó 12 xã thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn hiện hữu); 3 xã: Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính thuộc huyện Nông Cống; 3 xã: Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc thuộc huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.
Một trong những mục tiêu phát triển chủ yếu của KKT Nghi Sơn là xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn thành một khu vực phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu với trọng tâm là công nghiệp lọc - hóa dầu và công nghiệp cơ bản như: công nghiệp hóa chất sau lọc hóa dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, sửa chữa và đóng mới tàu biển, công nghiệp điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông, lâm, ngư nghiệp chất lượng cao phục vụ xuất khẩu...
Tạo nhiều việc làm, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực.
2 Tổng công ty được xếp hạng đặc biệt
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý vận dụng xếp hạng Tổng công ty đặc biệt đối với 2 Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí và Điện lực Dầu khí Việt Nam.
Phó Thủ tướng lưu ý, việc xếp hạng Tổng công ty đặc biệt đối với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) sẽ được xem xét sau khi Thanh tra Chính phủ báo cáo kết quả thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) được thành lập ngày 04/05/2007 trên cơ sở hợp nhất Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí và Công ty Đầu tư - Phát triển Dầu khí để thống nhất hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam và nước ngoài.
Sứ mệnh của Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí hiệu quả nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, tăng cường nguồn thu cho Nhà nước; không ngừng gia tăng giá trị tài sản, năng lực tài chính, năng lực khoa học công nghệ chuyên ngành; đảm bảo tuyệt đối an toàn trong hoạt động và cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích tốt đẹp cho cộng đồng và tất cả người lao động, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam là Tổng Công ty mẹ - Công ty TNHH một thành viên do Tập Đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam đầu tư 100% vốn, được thành lập theo Quyết định 1468/QĐ-DKVN ngày 17/5/2007 của Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ