(NTO) Tân Hải là một trong ba xã thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông huyện Ninh Hải, gồm 2.434 hộ (gần 9.400 người), sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Khi xác định chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo, Ban Phát triển xã Tân Hải chọn trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi là thế mạnh kinh tế nông nghiệp từ lâu của địa phương. Để phát triển chuỗi giá trị gia cầm, gần cuối tháng 6-2013, tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi gà thôn Thủy Lợi được thành lập, do chị Nguyễn Thị Thu Huyền làm nhóm trưởng.
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền đầu tư nuôi mỗi lứa từ 200-300 con gà.
Thôn Thủy Lợi trước khi có Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh tác động, nghề nuôi gà đã phổ biến nơi đây với khoảng 30% hộ nuôi. Tuy nhiên do nuôi manh mún, nhỏ lẻ, tổng đàn gà trong thôn không phát triển. Khắc phục nhược điểm trên, nhóm cùng sở thích chăn nuôi gà thôn Thủy Lợi, với 10 hộ thành viên (trong đó có 4 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo) đã đẩy mạnh việc áp dụng kỹ thuật chăn nuôi mới. Tháng 9-2014, trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, từ nguồn vốn CSG (tức Quỹ Dự án cạnh tranh nhỏ) hỗ trợ, đã có gần 100 triệu đồng chuyển giao cho tổ chính thức hoạt động. Theo chị Nguyễn Thị Thu Huyền, nguồn vốn trên rót về tổ 2 đợt, được tổ phân phối kinh phí cho hộ thành viên sửa chữa chuồng, mua thức ăn công nghiệp, thức ăn phụ, thuốc thú y phòng bệnh, đệm lót chuồng sinh học và đàn gà giống 180 con/hộ. Tham gia dự án, các hộ còn được Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) Ninh Hải tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi gà và 1 lớp tập huấn viết tiểu dự án.
Theo chu kỳ nuôi gà thịt là 4 tháng xuất chuồng, đến nay trong tổ đã có 9 hộ nuôi thành công. Ngoài bán gà thịt, có 5 hộ giữ lại 30-40 con gà mái đẻ nuôi lấy trứng và dùng tiền lãi mua khoảng 300 con gà giống tiếp tục nuôi bán thịt, nhiều nhất là hộ chị Trần Thị Hoa đã tái đầu tư nuôi 500 con gà thịt. Bản thân chị Nguyễn Thị Thu Huyền cũng giữ lại 50 con gà mái nuôi ấp nở để bán gà giống và tự đầu tư nuôi mỗi lứa từ 200-300 con gà thịt. Tính chung, với 3 lứa nuôi trong năm, vừa gà thịt, vừa bán trứng hoặc bán con giống, các thành viên trong Tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi gà thôn Thủy Lợi đã có thêm thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện đời sống, hướng đến thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, để giúp đỡ hộ thành viên nuôi thất bại, phát huy tính cộng đồng tương hỗ, thương yêu nhau, tổ đã gây quỹ hỗ trợ cho hộ thành viên này vay vốn mua 100 con gà giống nuôi thịt, hiện nay gà đã 2 tháng tuổi và đang tăng trưởng tốt. Có thể nói chăn nuôi gà thịt ở thôn Thủy Lợi đã đem lại hiệu quả kinh tế thấy rõ, qua thực tế phát triển đã chứng minh gà là chuỗi giá trị có nhiều ưu thế, trong đó rõ nhất là ưu thế dễ chăm sóc, dễ đầu tư vì vốn ít.
Tuy nhiên, dù có sự gắn kết các thành viên, nhưng đến nay, tổ nhóm chăn nuôi gà thôn Thủy Lợi vẫn chưa thực hiện tiểu dự án liên kết với doanh nghiệp (DN). Chị Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết: Để tránh tình trạng bị tư thương ép giá và tạo cơ hội cho người nuôi gà được tiếp nhận cung cách sản xuất, kinh doanh kiểu mới, an toàn, tổ cần phải kết nối với DN bao tiêu sản phẩm, ổn định giá bán, điều đáng tiếc là chưa có DN nào bắt tay thực hiện tiểu dự án... Để tháo gỡ vướng mắc trên, tổ đang tiếp tục chủ động tìm kiếm DN đối tác, bên cạnh đó Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh và DASU Ninh Hải cũng đang tích cực giới thiệu, mời gọi DN đến ký hợp đồng. Nếu thực hiện được việc liên kết với DN, tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi gà thôn Thủy Lợi sẽ có điều kiện tiếp cận thông tin thị trường, có thêm nhiều cơ hội để cải thiện thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Bạch Thương