Vấn đề hôm nay:

Khi “chủ thể” được phát huy!

(NTO) Có thể nói, một trong những mục tiêu mong muốn đạt được qua xây dựng nông thôn mới (NTM) đó là nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần cho người dân thông qua vai trò làm chủ của chính người dân, hay nói khác hơn người dân mới chính là “chủ thể” còn Nhà nước chỉ định hướng, hỗ trợ một phần kinh phí… để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ sản xuất và đời sống người dân theo từng tiêu chí của NTM... Với tinh thần đó, qua gần 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, trong tổng số 47 xã đã có 2 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 15 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 20 xã đạt 5-9 tiêu chí và 5 xã chỉ mới đạt 5 tiêu chí do còn quá khó khăn về nhiều mặt. Nhìn chung, nhiều xã xây dựng NTM đều có chuyển biến đáng kể từ bộ mặt nông thôn đến thu nhập. Điều dễ nhận rõ là ở hầu hết các xã, hệ thống giao thông trong từng thôn xóm đều được cứng hóa khang trang, sạch đẹp tạo “đòn bẩy” để nhiều nông hộ đầu tư sửa sang nhà cửa “tương xứng” thay cho những ngôi nhà còn “ọp ẹp”, cũ kỹ như trước đây khi còn đường đất với tâm lý “ở sao cũng được”!.

Bộ mặt nông thôn xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Văn Miên

Chỉ tính tiêu chí 11 (giảm hộ nghèo và an sinh xã hội), theo số liệu thống kê mới đây cho thấy, nếu như đầu năm 2011 số hộ nghèo khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ đến 17,6% thì cuối năm 2014 đã giảm còn 9,41%, bình quân giảm 2,73%/năm. Nhiều địa phương đã có không ít cách làm hay, sáng tạo để thực hiện đạt các tiêu chí, đặc biệt là trong việc phát huy “nguồn lực” tại chỗ để tham gia vào một số công trình tại địa phương, vừa đem lại lợi ích cho cộng đồng vừa tiết giảm chi phí đầu tư. Đơn cử như xã Phước Hậu (Ninh Phước) đã huy động đội ngũ kỹ sư xây dựng là con em địa phương để thiết kế cống thoát nước, vận động nhân dân đóng góp ngày công xây dựng trị giá 15 triệu đồng mà nếu giao cho thầu xây dựng phải lên đến trên 50 triệu đồng!. Hay như xã Tân Hải (Ninh Hải) đã vận động nhân dân đóng góp trên 40 triệu đồng để lắp đèn chiếu sáng đường nông thôn, vừa bảo đảm an ninh vừa giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn vào ban đêm; Ban quản lý thôn Hòn Thiên đã cùng với linh mục quản xứ vận động giáo dân đóng góp 947 triệu đồng và 1.650 công lao động để làm 2.115 m đường bê tông. Xã Phước Ninh vận động người dân đóng góp hàng trăm triệu đồng để bê tông hóa đường giao thông nông thôn, nội đồng. Ngoài ra, để tạo thu nhập bền vững, một số xã như Mỹ Sơn (Ninh Sơn) còn xây dựng mô hình hợp tác sản xuất bắp giống; Tân Hải (Ninh Hải) thành lập nhiều nhóm nuôi cá mú, hàu...

Có thể nói, khi vai trò “chủ thể” của người dân được phát huy đầy đủ thông qua thực hiện “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân làm”; công khai, dân chủ, được địa phương tôn trọng ý kiến…trước khi thực hiện... thì người dân đều sẵn lòng để tích cực tham gia xây dựng NTM như đã nêu trên. Đây được xem là bài học để các địa phương vận dụng thực hiện.